Monthly Archives: Tháng Bảy 2010

Nguy cơ Lê Chiêu Thống hiện đại

Nguyễn Thanh Giang

“…Đã thấp thoáng bóng Lê Chiêu Thống hiện đại. Đất nước có nguy cơ lại rơi vào vòng đô hộ của một ngoại bang tồi tệ hơn tất cả các ngoại bang trong thế kỷ qua…”

Việt Nam kiên trì phát triển mối giao hảo với tất cả các nước trên thế giới, bất kể chế độ chính trị, trước hết với các nước láng giềng. Đây là đường lối ngoại giao đúng đắn cần quán triệt lâu dài.

Trung Quốc là nước láng giềng lớn, có mối quan hệ lâu đời đối với Việt Nam trên nhiều phương diện: tư tưởng, văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự … Bang giao hữu hảo với Trung Quốc lại càng cần được xem trọng. Chọc giận Trung Quốc để bị Đặng Tiểu Bình ra tay “dạy cho một bài học” là sai lầm tai hại xuất phát từ thói ngông cuồng, hợm hĩnh sau thắng Mỹ 1975 ! Ghi vào Hiến pháp: Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp càng chúng tỏ vô cùng non kém về tư tưởng chiến lược !

Nói vậy không có nghĩa cuộc binh đao 1979 là lỗi chỉ tại Việt Nam. Ai cho lũ Đại Hán kia được quyền dạy người bằng cách tàn bạo, khốn nạn như thế ? Cho nên bây giờ Hồ Cẩm Đào và Nông Đức Mạnh xuê xoa nhau: “Tuy giữa hai nước vẫn còn xẩy ra việc này việc khác và điều đó là khó tránh khỏi…” là không đúng. Bỏ cái tư tưởng Đại Hán đi, bỏ cái ý đồ cầu viện đi thì không có chuyện nhượng đất, nhượng biển, không có chuyện nước ngoài bắn giết ngư phủ đồng bào mình mà cứ lặng thinh vô cảm.

Không chỉ giao thương, mà rất nên học hỏi Trung Quốc. Về mặt văn hóa và “ thuần phong mỹ tục”, Trung Quốc gần gụi ta hơn Phương Tây, hơn Hoa Kỳ. Việt Nam và Trung Quốc đều từng cùng đã sa lầy trong vũng bùn Cộng sản lâu năm. Trung Quốc đang vùng vẫy để thoát ra dần dần một cách khôn khéo hơn. Về chuyện này có thể tôn họ làm sư huynh. Tuy nhiên, cần cảnh giác. Đừng để họ xui dại. Đừng để họ làm một đàng, xui mình làm một nẻo. Họ đi đêm với Nixon, trong khi xui mình chửi Mỹ thật thậm tệ, đánh Mỹ thật bạt mạng. Họ chạy hết cửa trước cửa sau xin được vào WTO trong khi xui mình cứ khoan khoan, để họ vào trước …

Chuyến thăm Trung Quốc cuối tháng 5 năm 2008 vừa qua là cần thiết. Ông Hồ Cẩm Đào thăm Việt Nam 3 lần. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đáp lễ hơn một lần cũng có thể xem là để tỏ ra biết điều. Vả chăng, trước khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Hoa Kỳ, ông Nông Đức Mạnh đi Trung Quốc, dẫu là chuyện cực chẳng đã, thì cũng đành cho phải phép.

Đi để “đưa quan hệ Việt-Trung tiếp tục phát triển lên tầm cao mới” thì cứ làm. Nhưng, để tiến tới “Hai bên cùng lập nhiều cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương giáp biên giới hai nước, đặc biệt là cơ chế Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương để chỉ đạo và điều phối sự hợp tác Việt Nam- Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực ” là đã thấy phải xem xét thận trọng.

Đến mức tuyên bố chung: “Hai nước sẽ thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo” thì không thể không đặt vào đây một dấu hỏi lớn. Vì sao làm ăn kinh tế, giao thương văn hóa… mà lại phải có đường dây nóng ? Đây là lần đầu tiên thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo ta và lãnh đạo nước ngoài. Thời chiến trước đây cũng chưa từng phải thiết lập đường dây nóng với Liên Xô, Trung Quốc bao giờ. Đề phòng ai đây ? Dằn mặt ai đây ?

Đường lối mèo không ra mèo, chuột không ra chuột: “Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ” tạo ra trong xã hội nói chung và trong lãnh đạo đảng CSVN nói riêng hai phe phái ngày càng trở nên đối địch nhau. Trước hết, do cách làm kinh tế thị trường không đích thực mà dở giăng dở đèn, người ta đã lợi dụng một chút ranh ma “ kinh tế thị trường ”, một chút lăng nhăng, lơ mơ “ định hướng xã hội chủ nghĩa ” để hình thành một tầng lớp tư bản đỏ và địa chủ cộng sản một cách rất bạo liệt. Nếu Mác nói: “ Chủ nghĩa tư bản đẻ ra giai cấp công nhân để chính giai cấp công nhân đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” thì chúng tôi nói: “ Đường lối cơ hội “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đẻ ra giai tầng tư bản đỏ cùng địa chủ cộng sản và chính họ đang đào mồ chôn CNXH ở Việt Nam ” (chứ không phải mấy ông dân chủ hay bọn phản động).

Tư bản đỏ và địa chủ cộng sản muốn sống được thì phải bám Phương Tây, bám Hoa Kỳ.Vào WTO rồi mà rời Phương Tây, rời Hoa Kỳ là chết. Chinh phủ muốn có thị trường xuất nhập khẩu để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiện đại hóa …cũng không thể không thân Phương Tây, thân Hoa Kỳ. Đường lối thân Phương Tây, thân Hoa Kỳ hợp lòng dân hơn. Phái “Kinh tê thị trường”, trong đó có Chính phủ và Nhà nước lại được tư bản đỏ và địa chủ cộng sản phù trợ hơn nên có thế hơn. Dư luận cho rằng cần có Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ để thống nhất chức Chủ tịch Nước và Tổng bí thư vào tay ông Nguyễn Minh Triết, hoặc là đưa ông Nguyễn Thiện Nhân lên ghế thủ tướng để thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên làm Tổng bí thư. Phái “Định hướng xã hội chủ nghĩa” vừa không được tư bản đỏ cung phụng nhiều bằng phái kia, vừa không được lòng dân nên yếu thế. Muốn cố thủ mấy cái ghế, họ đành tìm sức mạnh ở sự bảo hộ của ngoại bang. Ghế là quyền, quyền không chỉ đẻ ra tiền để dược phè phỡn mà còn được ngất ngây trong tung hô, trong phỉnh nịnh. Cho nên phải sống chết mà giữ lấy ghế. Bằng mọi thủ đoạn, kể cả đánh giết nhau. Lặng lẽ là ám sát, đầu độc, quyết liệt thì dàn quân ra mà xả đạn, trút bom lên đầu … dân chúng !

Ứng viên tổng bí thư Lâm Bưu đã từng tan xác trên máy bay. Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, tổng bí thư Triêu Tử Dương ….đã từng bị các đồng chí trong Bộ Chinh trị cho chết rũ xác trong lao tù cộng sản.

Ở Việt Nam dường như cũng đã có dấu hiệu chẳng lành. Ai đã đánh bom nhà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sạt cả cổng sắt hồi Tết năm ngoái ? Không thể là dân thường, cũng không phải bọn “phản động” trong hay ngoài nước… Bởi nếu thế thì báo chí đã đưa tin kẻ này, kẻ kia bị trừng trị rồi.

Tin một vị chức sắc của Tổng cục 2 tuyên bố: Tổng cục 2 đã có công bảo vệ sự lưu nhiệm cho tổng bi thư Nông Đức Mạnh và ngăn chặn sự xuất hiện Gorbachev ở Việt Nam thì chưa được kiểm chúng rõ ràng, nhưng tin tổng bi thư Nông Đức Mạnh đến trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho tổng cục 2 thì báo chi đã đăng rành rành.

Sao lại vô nguyên tắc đến thế ! Sao lại ngang nhiên chà đạp lên Hiến phap như thế! Đảng chỉ lãnh đạo chứ Đảng đâu có quyền làm thay, có quyền qua mặt lấn sân Nhà nước! Trao bằng sắc, danh hiệu này nọ phải là việc của chủ tịch nước hay thủ tướng chứ!

Lại nữa, Tổng cục 2 là anh hùng thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ thì được nhưng đã lòi ra Vụ T4 mà còn được tặng danh hiệu Anh hùng thời Đổi mới thì vỗ mặt nhau thẳng cánh quá, chà đạp dư luận, chà đạp lẽ phải và công lý thẳng thừng và trơ tráo quá !

Hồi mới lên, ông Nguyễn Tấn Dũng hăng hái muốn chứng tỏ chống tham nhũng mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm nên bất chấp con rể Nông Đức Mạnh đang là yếu nhân trong PU18, bất chấp Đảng đang cơ cấu Nguyễn Việt Tiến vào Trung ương để chuẩn bị ngồi ghế bộ trưởng vẫn ra lệnh tống giam Nguyễn Việt Tiến.

Bây giờ người ta quật lại, không chỉ thả Nguyễn Việt Tiến mà còn phục hồi đảng tịch. Thả Nguyễn Việt Tiến thì phải tống tù một người nào đó it nhất tương đương Nguyễn Việt Tiến chứ. Sao lại chỉ bắt giam hai nhà báo? Hỏi rằng, ai đã chỉ đạo cả một chiến dịch với hàng ngàn bài báo và hai cuốn sách bôi nhọ một cán bộ cao cấp của Đảng ? (đến mức đưa tin lột truồng cave ra, đổ bia cả vào chỗ kín của thị mà liên hoan tập thể với nhau !). Bôi nhọ cán bộ cao cấp của Đảng tức là bôi nhọ Đảng đến thế còn gì!

Trận trả đòn điên cuồng đang diễn ra, bất chấp dư luận, bất kể danh dự, uy tin Đảng này chứng tỏ cơn cuồng nộ của họ đã dẫn họ đến trạng thái mất trí.
Trạng thái mất trí này hoàn toàn có khả năng sẽ còn khiến họ làm những việc khủng khiếp không lường được.

Thực tế đã đánh giá lời tuyên bố huênh hoang sau chiến thắng 75 của ông Lê Duẩn: Đất nước từ nay vĩnh viễn sạch bóng quân xâm lược. Dẫu sao, chắc hẳn trong vòng mươi lăm năm tới, không nước nào dám, cũng không nước nào dại gì xâm lăng Việt Nam, ngoại trừ Trung Quốc. Vậy thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc để đề phòng ai? Dự định đánh nhau với ai ? Phải chăng sẽ là với các “ đồng chí phản động ” trong Bộ Chính trị như kiểu Triệu Tử Dương ? Hay là, chuẩn bị đối phó với “Thiên An Môn Việt Nam” bằng những sát thủ đã dầy dạn kinh nghiệm?

Có lẽ họ biết họ sẽ không dễ dàng xua bộ đội Việt Nam, công an Việt Nam thảm sát nhân dân Việt Nam. Bộ Chính trị chia hai phái thì quân đội, công an không thể hoàn toàn thuộc về họ. Nhất là họ it được lòng dân hơn. Cho nên…

Đảng CSVN đã nhiều phen chia làm hai phái. Nhờ phái có xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quôc thắng phái cộng sản quốc tế cực đoan của Trần Phú, Hà Huy Tập mà có Cách Mạng Tháng Tám, có Điện Biên Phủ. Do phái chủ trương giải phóng Miền Nam bằng bạo lực với mọi giá của Nguyễn Chi Thanh, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn khống chế được phái đã có lúc nghiêng về chủ trương thống nhất đất nước bằng thi đua hòa bình của Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh mà dân tộc lâm vào cuộc thảm sát Mậu Thân… rồi bị quốc tế tẩy chay, bị Mỹ cấm vận… để đến nay đất nước vẫn còn khốn đốn và ngày càng tụt hậu xa so với thế giới.

Bây giờ, vận mệnh dân tộc sẽ ra sao nếu phe phản động chế ngự được phe cấp tiến ? Không, nhất định không thể để như vậy. Hãy sáng suốt kịp thời nhìn nhận cho rõ và quyết tâm ngăn chặn bọn này. Đã thấp thoáng bóng Lê Chiêu Thống hiện đại. Đất nước có nguy cơ lại rơi vào vòng đô hộ của một ngoại bang tồi tệ hơn tất cả các ngoại bang trong thế kỷ qua.

Tôi xin khẩn thiết cảnh báo và tha thiết kêu gọi.

Hà Nội, 16 tháng 6 năm 2008
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại: (04) 5 534 370
http://www.nguyenthanhgiang.com/

Chuyện một ông Bộ trưởng và thư ngỏ của ông Tô

Comment: Vâng, thưa đồng chí Trực Ngôn. Những điều bác Trực Ngôn mừng là chính đáng, nhưng chúng tôi chưa mừng vội. Cái hiện tượng sự việc đôi khi nó diễn ra khác bản chất sự việc, nhất là ông bộ trưởng này chưa phải là thủ tướng hay tổng bí thư, cứ đợi đấy xem trò: Tom và Zery. Chừng nào ông tổng đảng, tổng chính phủ nói được như thế thì thiên hạ may ra mới có cơ duyên thay đổi, chứ vẫn cái đà này thì dân ta vẫn phải mang ơn mưa móc, rằng: ơn đảng, ơn chính phủ đã cho dân ăn bánh vẽ!

Còn anh Mỹ ấy à, đấy là anh ấy dại, anh ấy cứ ưỡn ngực mà đi nhanh và đi thẳng, như thế thì lộ hết. Chúng ta đã đi chậm, mà lại còn đi vòng, phải vừa đi vừa ẩn nấp ra vẻ bí mật để làm cú bất ngờ cho thế giới bị sốc, nhưng lại vỗ ngực là đi tắt đón đầu. So sánh với Mỹ thì thật là châm biếm và hài hước

——————————————————-
Tác giả: Trực Ngôn
Bài đã được xuất bản.: 30/07/2010 08:45 GMT+7
Phát ngôn Hành động tuần này trở lại với tín hiệu vui từ phát biểu của Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên cùng nỗi day dứt sau sự kiện ông Nguyễn Trường Tô.

Bà con ơi! lại đây mà xem một ông… Bộ trưởng:

Xin bạn đọc hãy đọc bài báo có tên: ‘Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường: Thừa chứng cứ kiện Vedan” trên Tuổi Trẻ để thấy được thái độ vì dân của một Bộ trưởng. Phải thú thật, lâu lắm rồi tôi mới được thấy một Bộ trưởng có những phẩm chất mà người dân mong muốn. Tôi thực sự xúc động với những gì ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thể hiện trong cuộc họp sáng ngày 28/7 về vụ nông dân kiện Vedan. Cho dù chỉ là đọc một bài báo ngắn, nhưng tôi thấy những lời lẽ rành mạch, một thái độ cương trực và một tấm lòng thực sự vì người dân của ông Bộ trưởng.

Hãy nghe ông nói: “Chủ trương của chúng ta là muốn cho Vedan sửa chữa khuyết điểm, nhưng Vedan vẫn ngoan cố thì chúng ta sẽ làm đúng theo trình tự pháp lý để kiện Vedan. Đương nhiên với những sai phạm và mức độ gây thiệt hại được chứng minh đầy đủ, khi chúng ta kiện chắc chắn sẽ thắng và thắng đúng như mong muốn của nông dân….

Sau thời gian qua, bản chất của Vedan đã thấy rất rõ. Cái gì Vedan lách được là tìm cách để lách, lợi dụng được cái gì là lợi dụng ở mức cao nhất. Cả ba tỉnh thành phải liên kết với nhau để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho người dân”.

Chúng ta hãy nghe ông lên tiếng cảnh báo kẻ đã “làm hại” người dân: “Kiện Vedan chưa phải đã là xong. Hiện nay Vedan vẫn còn nhiều vấn đề khác nữa. Chúng ta lấy nhân nghĩa của người Việt Nam để xử lý nhưng nếu Vedan tiếp tục ngoan cố, Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ cùng Bộ Công an làm tiếp một số vấn đề khác của Vedan, kể cả chuyện đất đai của Vedan hiện nay”

Rồi ông thẳng thắn phê phán sự “thờ ơ” của Đồng Nai trong việc bảo vệ lợi ích của người dân: “Mọi cơ sở khoa học đều công bố hết rồi, giờ các anh còn nói lúng túng cái gì? Số 119 tỉ đồng là do tỉnh phê duyệt và đề nghị bồi thường thì các anh phải bảo vệ con số này. Anh đề nghị một đằng nhưng ra hội nghị anh lại nói một nẻo. Tư cách một phó giám đốc sở nói ở hội nghị như thế là không được. Tôi đề nghị tỉnh Đồng Nai phải kiểm điểm, nói thế Vedan sẽ lợi dụng ngay”.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: “nếu Vedan tiếp tục ngoan cố, Bộ Tài nguyên – Môi trường sẽ cùng Bộ Công an làm tiếp một số vấn đề khác của Vedan”, Ảnh Tuổi Trẻ

Kính thưa bạn đọc, không một mỹ từ, không một nhận xét hay chỉ đạo chung chung, không kiểu nói ai cũng vừa lòng là những gì chúng ta nhận thấy từ phong cách và thái độ làm việc của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên. Đây tưởng là chuyện thường tình và là lẽ đương nhiên của một ông Bộ trưởng. Thế mà, ngày ngày chúng ta xem tivi, ngày ngày chúng ta đọc báo và ngày ngày chúng ta nghe đài nhưng hình ảnh về một ông Bộ trưởng như vậy lại không nhiều.

Ở buổi làm việc sáng ngày 28/7 chúng ta không nhận ra từ Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên những lời hứa như một số vị Bộ trưởng đã làm cho chúng ta mệt mỏi. Trong những năm tháng này, việc làm như của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã làm cho lòng ta ấm lại và thấy niềm tin thức dậy. Và ta lại nhớ tới những cán bộ vì lợi ích của cá nhân mình mà bước qua lợi ích của người dân hoặc thờ ơ.

Có thể những dòng này của tôi đã quá xúc động. Nhưng sự quá xúc động này cho thấy chúng ta đã đợi chờ những ông quan, bà quan vì lợi ích của người dân như thế nào. Sự xúc động này được “kích” lên gấp bội khi mới đây chúng ta phải chứng kiến những việc làm của bà Cúc Bí thư Tiền Giang.

Người nông dân lâu nay đâu có mong muốn gì cao siêu lắm đâu từ những người lãnh đạo. Họ đâu dám mong lãnh đạo “thiên vị” họ trong công trình này, dự án kia mà chỉ mong lãnh đạo hãy công bằng giữa những chủ dự án, chủ công trình với những người nông dân mà những dự án, những công trình đó liên quan đến đời sống của họ và tương lai con cái họ.

Nếu viết chuyện về hành động của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đấu tranh cho lợi ích của người dân theo tiểu thuyết chương hồi như Tam quốc diễn nghĩa thì Trực Ngôn tôi sẽ tạm kết thúc chương này như sau:

Sau khi Khôi Nguyên Bộ trưởng rời khỏi phòng họp có thơ khen rằng:

Tả xung hữu đột ấy anh hùng

Căm giận Vedan lửa bừng bừng

Gạt lệ nhìn sông, lên ngựa chiến

Ngày về vang động tiếng vui chung

Nước Mỹ nguy rồi:

Theo bản tin Telegraph: Hai cô con gái của Tổng thống Barack Obama là Malia và Sasha có thể đi trông trẻ để kiếm thêm tiền. Tổng thống Obama nói “Malia và Sasha đã đủ tuổi để có thể bắt đầu kiếm tiền bằng công việc trông trẻ. Chúng cũng có tài khoản tiết kiệm riêng của mình…”

Ông tâm sự “Chúng tôi cũng trăn trở về hai đứa con nhỏ và phải tìm cách để tiết kiệm đủ cho chúng vào đại học. Chúng tôi nhìn vào tài khoản hưu trí của mình và tự hỏi liệu số tiền đã đủ cho cuộc sống sau này chưa.”

Những gì Tổng thống Mỹ tâm sự là sự thật. Thế này thì nước Mỹ nguy rồi! Nỗi lo của một Tổng thống mà là Tổng thống của nước Mỹ có làm cho chúng ta ngạc nhiên không? Với tôi, tôi thực sự ngạc nhiên và tôi biết rằng nước Mỹ sẽ còn lớn mạnh nữa khi họ có những Tổng thống như thế.

Lại nhớ đến chuyện cựu Tổng thống Bush có ảnh quảng cáo cho một nhà hàng ở Mỹ mà lòng suy nghĩ mung lung. Có hai điều tôi muốn nói trong chuyện này. Một, sau khi rời ghế Tổng thống của một cường quốc, người đứng đầu quốc gia ấy lại trở về sống như mọi công dân bình thường. Hai, một cựu Tổng thống không hề thấy xấu hổ khi đứng ra làm quảng cáo cho một sản phẩm hay một nhà hàng vì họ vẫn phải lao động để sống và để tiếp tục tu dưỡng làm người.

Trong khi đó, một số những cán bộ quyền chức nước ta sau khi về hưu không sao trở lại cuộc sống đời thường được nữa và không phải làm gì vì bổng lộc thu được lúc đương nhiệm quá thừa mứa. Ví như một ông Chủ tịch thành phố mang nộp tổ chức tiền người ta lễ tết một năm là 4 tỉ đồng. Đấy chỉ là một năm và mới chỉ là tiền mừng tuổi thôi nhé. Chỉ cần “im lặng” một năm là khi về hưu ông Chủ tịch kia đã có 4 tỉ gửi ngân hàng lấy lãi để sống rồi.

Bỗng tôi lại nhớ đến một Giám đốc nhà nước ở một tỉnh phía Nam khi kê khai tài sản thấy con trai ông ta đang học PTTH đã sở hữu mấy ngàn mét đất. Đấy mới chỉ là một ông giám đốc quèn cấp tỉnh thôi nhé.

Bạn đọc có nhớ câu chuyện trên một tờ báo của ngành Công An cách đây dăm bảy năm nói về một cậu ấm con một cán bộ đã mở tủ lấy tiền của mẹ mua 7 chiếc xe @ tặng bạn bè nhân sinh nhật cậu ta không? Và còn bao câu chuyện đắng cay khác về các quý cô, quý cậu con các quan chức đã tiêu tiền như thế nào, đi xe hơi loại gì, uống một đêm mười mấy triệu ở quán bar ra sao.

Các quan đã làm gì để có nhiều tiền như “giấy lộn” như thế? Chỉ có tham ô, chỉ có tham nhũng và chỉ có hối lộ mà thôi hoặc lợi dụng sơ hở của luật pháp mà ta thường gọi là “lách luật” hay lợi dụng quyền chức như ông Thứ trưởng Mai Văn Dâu để vơ vét mà thôi.

Các ông quan như thế vừa tham vừa dốt. Nếu tôi có quyền chức cộng với lòng tham lam của tôi mà có nhiều tiền thì tôi sẽ khôn hơn họ một chút. Tôi sẽ dùng tiền đó cho con cái học hành đến nơi đến chốn để làm người.

Làng tôi có một bà cụ từng đi ăn trộm cám lợn để nuôi con trong những năm đói khát xưa kia nhưng đã không cho các con biết tội lỗi của mình. Khi các con bà đều trở thành cử nhân, bác sỹ bà mới kể lại chuyện đó và khuyên các con hãy học cho giỏi giúp xã hội để có thể xóa đi một phần tội lỗi của bà. Sau này, hầu hết các con bà đều trở thành tiến sỹ, giáo sư thật sự chứ không phải tiến sỹ, giáo sư mua bằng.

Nhưng những ông quan tham ngày nay không có đủ lòng xấu hổ và tự trọng như bà cụ làng tôi. Bởi thế, các quan tham trút tiền vào túi các quý cô, quý cậu của họ, và quá nhiều các quý cô, quý cậu đã trở thành những kẻ nghiện đứng nghiện ngồi và đắm chìm trong hưởng lạc. Lối sống của những ông quan bà tướng như thế không chỉ giết chết gia đình họ.

Ông Nguyễn Trường Tô

Nghề mới của ông Tô và một bức thư ngỏ

HĐND tỉnh Hà Giang đã có cuộc họp bất thường thông qua các nghị quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND và chức vụ chủ tịch UBND đối với ông Nguyễn Trường Tô và khẳng định “Hà Giang không mất đoàn kết nội bộ”.

Khi câu hỏi của báo chí đặt ra là công việc của ông Nguyễn Trường Tô sẽ được bố trí thế nào sau khi bị kỷ luật khai trừ Đảng và cách hết các chức vụ thì được một lãnh đạo tỉnh trả lời “Đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất đã có ý kiến về vấn đề này. Ông Tô bây giờ là một công dân bình thường, vẫn là cán bộ công chức nhà nước nên vẫn có thể đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh. Vì vậy, trước hết chúng tôi chờ ý kiến, nguyện vọng của ông Tô, sau đó Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét”.

Không biết nguyện vọng của ông Tô thế nào nhưng thế nào cũng thật khó cho ông. Đương là Chủ tịch thét ra lửa với cấp dưới trong toàn tỉnh chẳng lẽ bây giờ lại thưa gửi với một đồng chí Phó Ban hay Phó phòng ở tỉnh vì nguyên tắc thỉnh thị báo cáo là phải thế. Tất nhiên cũng chẳng ai tỏ ra thế này thế nọ với ông Tô. Nhưng có lẽ ông Tô cũng không chịu được cảnh đó vì nó buồn và khó xử đến thế nào.

Cho dù có tiếp tục làm việc thì ông Tô cũng chẳng còn lòng dạ nào mà đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh nữa. Nếu là người phụ trách tổ chức của Hà Giang, tôi sẽ khuyên ông Tô nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi cũng đừng ở thành phố. Nếu ông Tô có quê thì hãy trở về quê mà sống trong tĩnh lặng để suy ngẫm về cuộc đời này và ngày đêm hương khói cho tổ tiên.

Kinh nghiệm cho thấy người bạn chia sẻ lớn nhất và chân thành nhất với ông Tô những năm tháng này chính là thiên nhiên và những người dân quê hiền lành và nhân ái. Có thể khi đương chức, ông Tô không để ý đến tán lá kia, bông hoa kia, tiếng chim kia, đám mây kia, ngọn gió kia và những người thôn quê lam lũ kia. Nhưng tôi cam đoan rằng tất cả những gì tôi nói trên không vì thế mà tránh xa ông hay khinh bỉ ông.

Thiên nhiên sẽ chia sẻ với ông công bằng như với mọi người. Những người thôn quê sẽ chia sẻ với ông như nhân dân đầy lòng che chở và bao dung cho những đứa con của mình kể cả những đứa con khi quyền cao chức trọng đã lãng quên họ và thậm chí phản bội họ. Nhân dân mình vĩ đại lắm. Đừng e ngại và đừng nghi ngờ đồng chí Tô nhé.

Tôi cũng thành thật khuyên ông đừng hy vọng nhiều vào sự chia sẻ của những người đã mượn danh, mượn uy của ông khi ông đương chức để làm ăn và những kẻ nịnh nọt ông để tiến thân. Còn việc “đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh”, ông không chỉ đóng góp cho sự nghiệp của tỉnh mà ông có thể đóng góp cho sự nghiệp của đất nước chỉ bằng một cách thôi mà sẽ là một đóng góp rất lớn.

Đọc đến đây chắc sẽ có một số bạn đọc mỉm cười nghĩ rằng tôi định nói máy nói móc gì đây. Không. Tôi nói thật chứ không hề bóng gió gì. Có bạn đọc sẽ hỏi: Vậy thì theo ông Trực Ngôn, ông Tô phải làm gì để đóng góp lớn cho đất nước sau khi bị kỷ luật?

Vâng. Tôi xin trả lời: ông Tô chỉ cần viết một lá thư gửi cho các đồng chí lãnh đạo ở các tỉnh, các bộ, ngành. Nội dung lá thư đó với danh nghĩa của người đã vấp ngã khuyên các đồng chí có cấp quyền như mình hãy sống một cách trong sạch.

Đã từng là một Chủ tịch tỉnh, ông Tô quá hiểu những con đường dẫn một cán bộ có quyền có chức đến sự hư hỏng dễ như thế nào. Vì nếu những người chưa bao giờ giữ một cái “bỉ chức” nào như Trực Ngôn tôi đây mà nói thì ai thèm nghe. Họ sẽ mắng tôi: Trực Ngôn kia, người thật hàm hồ và ấu trĩ, người đã làm quan bao giờ đâu mà người biết được cái chuyện khi người ta có quyền có chức nó như thế nào.

Nhưng ông Tô nói thì họ phải chịu. Nếu làm được như thế thì đóng góp của ông Tô cho sự trong sạch và phát triển của xã hội sẽ lớn nhường nào. Phải không bạn đọc và các đồng chí?
http://tuanvietnam.net/2010-07-30-pn-and-hd-chuyen-mot-ong-bo-truong-va-thu-ngo-cua-ong-to

ĐÁNG SỢ NHƯNG QUYẾT KHÔNG KHUẤT PHỤC

Tôi đang đọc lại Tam Quốc Diễn nghĩa đến hồi “ Gia Cát Lượng khéo chối từ Lỗ Túc.Triệu Tử Long lừa mẹo lấy Quế Dương ” thì một cụ lão thành đưa cho mấy bản “ Tin tham khảo nội bộ ” có mấy bài nói về Trung Quốc dự định đánh Việt Nam ( ? ) Trước khi phát biểu cảm tưởng về mấy bản tin trên mạng Sina- Tàu ấy, tôi xin chép lại đây nguyên văn đoạn truyện vừa đọc để “ ôn cố tri tân ” :

“ Chu Du thấy Khổng Minh lấy được Nam Quận, lại nghe tin mất cả Kinh Châu, Tương Dương rồi, trách nào chẳng tức? Du tức quá, uất lên, nằm ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Các tướng khuyên giải hai ba lần. Du nói:

– Nếu không giết được Gia Cát Lượng đi, thì làm sao ta hả dạ được ? Trình Phổ hãy gíúp ta, đánh lấy lại Nam Quận cho Đông Ngô.

Đang nói chuyện thì Lỗ Túc đến. Du nói:

_ Ta muốn cất quân quyết một trận sống mái với Lưu Bị và Gia Cát Lượng để đoạt lại thành trì, Tử Kính giúp ta một tay.

Túc nói:

– Không nên! Hiện nay ta với Tào Tháo còn đang kình địch, chưa biết được thua thế nào. Vả lại chúa công cũng chưa hạ được Hợp Phi. Ta với Huyền Đức không nên thôn tính lẫn nhau, quân Tào thừa cơ kéo đến thì nguy lắm. Huống chi, Huyền Đức lại quen thân với Tào Tháo. Nếu ta làm quá, hắn tất dâng thành trì cho Tào Tháo, hợp sức lại đánh Đông Ngô, thì làm thế nào ?”.

Đó là chuyện mấy ông tướng Tầu xưa khuyên mấy ông tướng cha ông họ. Còn ta ngày nay, hãy xem họ đang thèm khát điên cuồng đến mức nao ? đáng sợ đến mức nào ? và, ta phải làm gì ?.

Biển Đông – nguồn lợi sống còn, Việt Nam – con đường tiến tới –

Trước hết, xin giải thích ý nghĩa vế hai của tiêu đề này.

Số là, trong cuộc gặp mặt giữa đại biểu bốn đảng Cộng sản: Việt Nam, Trung Quốc, Indonexia và Lào tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “ Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên, rất mong đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam Châu Á ”. Quyết liệt và hung hăng một cách vĩ đại hơn, trong cuộc hội đàm với đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963, Mao Trạch Đông còn tuyên bố thẳng thừng: “ Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Châu Á ”. ( Tất nhiên cả đạo quân biển người ấy phải ào ạt quét qua Việt Nam ).

Đến thế mà, thật lạ kỳ là, chính ở nước ta từng đã có những người lãnh đạo rất ủng hộ ý đồ xâm lăng này của Trung Quốc. Báo cáo của Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Quân ủy Trung ương mỏ rộng ngày 24 tháng 8 năm 2004 do Bộ trưởng Phạm văn Trà chủ trì có những đoạn sau: “ Tại Châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ xác định việc tiếp tục duy trì sức mạnh quân sự và chi phối quân sự nhằm: ….. hạn chế và tiến tới triệt tiêu ý đồ lôi kéo Đông Á và Đông Nam Á vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc”, “ Mục tiêu của Mỹ không phải là biến Việt Nam thành một thị trường để góp phần điều tiết nền kinh tế Mỹ, mà là xây dựng Việt Nam thành một khu vực điều tiết nhập siêu Trung- Mỹ, một hàng rào kinh tế ngăn ngừa sự phát triển của Trung Quốc xuống Đông Nam Á ”.

Thấy như là, Bộ Quốc phòng ta, dưới quyền lãnh đạo của bộ trưởng Phạm văn Trà lo ngăn chặn Hoa Kỳ để mong được Trung Quốc thôn tính Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hơn là lo bảo vệ tổ quốc mình. Cho nên, bức xúc quá, lúc ấy tôi đã phải viết bài có cái tên rất thảng thốt: “ Bộ Quốc phòng rời bỏ nhiệm vụ chính của mình. Cảnh báo nguy cơ mất nước ”.

Bây giờ bàn về cái quyền lợi sống còn của Trung Quốc-Biển Đông.

Với diện tích 3,5 triệu km2, có trữ lượng 50 tỷ tấn dầu mỏ, 15.000 tỷ mét khối khí thiên nhiên, Biển Đông được xem là Vùng Vịnh thứ hai của thế giới. Hơn 200 công ty dầu khí của nhiều nước tham gia tìm kiếm, thăm dò, khai thác đã khoan hơn 1.000 giếng khoan tại quần đảo Trường Sa.. Tại đây, Việt Nam đã khai thác được hơn 100 triệu tấn dầu, 1.500 tỷ mét khối khí, thu được hơn 25 tỷ USD. Ngoài dầu khí, Biển Đông còn có 116 loại khoáng sản khác nhau, trong đó 89 loại khoáng sản đã thăm dò được trữ lượng với 1.400 vị trí có thể khai thác.

Cận kề miếng mồi khổng lồ béo bở như vậy mà Trung Quốc lại đói dầu. Trung Quốc đã bắt đầu phải nhập khẩu dầu thô từ 1993, và đến nay, đã trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô vào loại hàng đầu thế giới. Từ 1993 đến 2002 nhu cầu về dầu lửa của Trung Quốc tăng gần 90%, trong khi sản xuất trong nước tăng chưa đến 15%.. Dự tính đến năm 2030, lượng dầu thô tiêu thụ của Trung Quốc sẽ đến 10 triệu thùng ngày, trong khi lượng sản xuất nội địa chỉ đáp ứng được 20% số đó

Biển Đông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Quá nửa số tầu chở dầu cỡ lớn thế giới đều qua Biển Đông. Lượng tầu chở dầu qua Biển Đông nhiều gấp 5 lần qua kênh đào Suez, gấp 15 lần qua kênh đào Panama. Biển Đông cũng là tuyến giao thương đối ngoại quan trọng của Trung Quốc, chẳng những thế, còn có vai trò rất quan trọng đối với an ninh năng lượng Trung Quốc. 88% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua Biển Đông, trong đó 48% là từ Trung Đông, 22% từ các nước Châu Á- Thái Bình Dưong, 18% từ Châu Phi.

Án ngự Biển Đông là khống chế được tuyến đường vận chuyển dầu mỏ huyết mạch của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đặc biêt, quần đảo Trường Sa ở vào vị trí xung yếu trên tuyến đường từ Thái Bình Dương đi Ấn Độ dương nên không chỉ án ngự tuyến đường vận chuyển khu vực Biển Đông mà còn có thể làm phát sinh ảnh hưởng lớn đối với eo biển Malacca.

Thèm khát đến cuồng nộ –

Thời gian gần đây, trên mạng Sina-Tàu xuất hiện một chiến dịch rầm rộ với hàng loạt bài viết sặc mùi kích động chiến tranh: “ Thu hồi quần đảo Nam Sa quan trọng hơn đảo Đài Loan ”, “ Việt Nam gây nên nhiều nỗi lo cho Trung Quốc ”, “ Trung Quốc và Việt Nam khó tránh khỏi lại đánh nhau ở Trường Sa ”, “ Tiến công Việt Nam theo kế hoạch A: đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định ” v v…

Dễ nhận ra rằng, tác giả các bài viết này không hẳn là những trí thức, những nhà văn, nhà báo bình thường mà phải là những nhà chính trị, quân sự, những nhà tư tưởng – văn hóa, những nhà tâm lý chiến …

Họ đặt vấn đề rất rạch ròi: “ Trong giai đoạn hiện nay, việc thu hồi quần đảo Nam Sa quan trọng hơn thu hồi Đài Loan. Vấn đề Đài Loan là vấn đề nội chính của nước ta, sớm muộn cũng sẽ giải quyết, còn vấn đề Trường Sa là vấn đề hiện thực không thể không giải quyết, là vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi biển, là vấn đề chống xâm lược nước ngoài, thu hồi vùng đất đã mất, là vấn đề lớn cần phải giải quyết trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước… Nếu chúng ta thu hồi quần đảo Nam Sa, xây dựng tuyến phòng thủ trên biển Nam Trung Hoa, tuyến đường vận chuyển trên biển của chúng ta sẽ bảo đảm, điều này sẽ có lợi cho phát triển kinh tế của đất nước, cũng là bộ phận hợp thành quan trọng của chiến lược biển của chúng ta ”.

Trên cơ sở nhận định: “ Môi trường chung quanh Trung Quốc hiện nay tương đối ổn định. Phía Đông, đã hòa dịu quan hệ với Nhật Bản; phía Bắc đã cùng Nga hoàn thành việc ký kết hiệp định biên giới; phía Tây Tạng đã bố trí lực lượng mạnh hình thành sự răn đe đối với Ấn Độ; quan hệ với Đài Loan cũng đang phát triển một cách lý tính, khi cần thiết sẽ dùng Đài Loan để kiềm chế Nhật Bản ”, họ cho rằng phải “ Đánh Việt Nam để nâng cao ý chí của quân đội Trung Quốc, để cho người Hàn Quốc thấy quân đội Trung Quốc liệu có phải là đội quân chỉ ở tầm thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai như người Hàn Quốc nghĩ hay không? Để cho các chuyên gia quân sự Mỹ thấy quân đội Trung Quốc liệu có phải là đội quân không có ý chí chiến đấu như họ đánh giá hay không? Để cho Nhật Bản thấy nếu không ngồi xuống đàm phán thì Trung Quốc cũng có thể tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ lợi ích của mình. Cuộc chiến tranh này đáng đánh, có thể đánh được. Phải nhằm thẳng vào Việt Nam đánh mạnh.”..Họ quả quyết rằng: “ Muốn kiểm soát lại Đông Nam Á cần chinh phục Việt Nam. Chinh phục Việt Nam là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất để Trung Quốc mở rộng về phía nam ”.

Trên cơ sở phân tích “ Địa hình Việt Nam rất đặc thù, ví von một cách thông tục thì Việt Nam giống như một con rắn nước kỳ quái nằm ở cực đông của bán đảo Trung Nam ”, họ vạch kế hoạch tác chiến cụ thể: “ Làm thế nào chế phục được Việt Nam – “ con rắn kỳ quái ” – này ? Điều chủ yếu quyết định bởi việc làm thế nào nhanh chóng chặt đứt đầu rắn. Tục ngữ Trung Quốc có câu “ Đánh rắn phải đánh vào đốt thứ 7, vị trí đốt thứ 7 là chỗ hiểm của rắn ”. Chúng ta chú ý thấy rằng khu vực ven biển Miền Trung Việt Nam có một địa phương goi là Thanh Hóa. Khu vực này là mũi cực nam của đồng bằng Sông Hồng, là cửa đi ra biển của sông Mã. Từ Thanh Hóa hướng về phía nam và đông tây, địa hình đột nhiên thu hẹp lại giống như cổ con rắn, chia cắt Việt Nam thành hai phần hoàn toàn khác nhau … Vị trí địa lý của Thanh Hóa rất giống tuyến đường độc đạo chiến lược Cẩm Châu của nước ta. Cho nên, Thanh Hóa chính là yết hầu khống chế đầu rắn phía bắc của Việt Nam, Bóp nghẹt yết hầu này có nghĩa là bóp nghẹt đốt thứ 7 của con rắn. Thanh Hóa có địa thế thấp, đồng thời cũng là bình nguyên rộng bằng phẳng, rất thích hợp với việc tiến hành đổ bộ với quy mô lớn ( Tiếc rằng họ quên không kể rằng Thanh Hóa quê tôi, là quê hương của Lê Lọi ). Nếu vận dụng phương pháp đổ bộ, thì có thể nhanh chóng đưa nhiều lực lượng thiết giáp vào chiến trường. Như vậy xe tăng một khi đổ bộ lên bờ sẽ tránh gặp phải địa hình núi non, tận dụng ưu thế địa hình đồng bằng, nhanh chóng tiến về Hà Nội ”. “ Ngày đầu tiên của chiến tranh: lực lượng tên lửa của ta bắt đầu tiến hành tiến công đợt một bằng tên lửa đối với 300 mục tiêu chính trị quân sự quan trọng trên toàn bộ lãnh thổ của địch. Sẽ phóng vào lãnh thổ của địch 500 tên lửa chiến thuật tầm ngắn, 100 tên lửa chiến thuật hành trình, hải quân sẽ phóng 200 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền và 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên biển ”. Họ không ngần ngại toan tính đến cả chiến tranh hủy diệt trên cơ sở sử dụng “ những con sông xuất phát từ lục địa Trung Quốc có thể lợi dụng để lập chiến tranh môi sinh, tạo các bệnh dịch cho toàn bộ Bắc Việt Nam ”.

Tờ báo Văn Hối ở Hồng Kông, một tờ báo được coi như cơ quan ngôn luận bán chính thúc của đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 31 tháng 7 vừa qua đã hô hào: “ Trung Quốc cần giảng cho Việt Nam một bài học về thế nào là đồng thuận ”. Họ hối thúc phải chớp ngay thời cơ: “ Hiện nay nguy cơ kinh tế Việt Nam là cơ hội cuối cùng ( mà Trung Quốc chờ đợi ) đã xuất hiện ”.

Mê muội chủ nghĩa và lòng tin khờ dại –

Cơn cuồng nộ ăn sống nuốt tươi Việt Nam thêm một lần bột phát dữ dội thực ra đã ấp ủ trường cửu trong lòng những người Trung Quốc mang tư tưởng Đại Hán . Trong tập sách ” Cách mạng Trung Quốc và đảng Cộng sản Trung Quốc ” xuất bản năm 1939 Mao Trạch Đông đã từng viết: “ Các nước đế quốc, sau khi đánh bại Trung Quốc, đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận; Anh chiếm Miến Điện, Ấn Độ, Butan, Hương Cảng; Pháp chiếm An Nam ” . Trong cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 8 năm 1965, Mao Trạch Đông hơn một lần lại khẳng định: “ Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Châu Á, bao gồm cả Miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Singapo và Malaysia … Một vùng như Đông Nam Châu Á rất giầu, ở đấy có nhiều khoáng sản … xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy ”.

Những người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ không phải vì nền độc lập thống nhất của Việt Nam mà chỉ để sử dụng ta như một con bài.

Tại hội nghị Genève năm 1953, Chu Ân Lai thỏa thuận với Mandes France rằng Việt Nam có hai chính phủ, hai vùng kiểm soát, hình thành giải pháp khung chia tách Việt Nam. Kết thúc Hội nghị này, tại tiệc chiêu đãi, Chu Ân Lai coi bốn đoàn có vị trí ngang nhau: Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính quyền Bảo Đại, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Trung Quốc muốn xé lẻ ra để trực tiếp nắm các bên.

Trong khi họ ra sức phấn đấu chủ yếu vì tư tưởng Đại Hán thì ta cứ mãi ngộ nhận lý tưởng xã hội chủ nghĩa trong sáng và lòng vị tha vô tư của họ trong việc giúp Việt Nam đánh Pháp, đánh Mỹ mà sẵn sàng xả thân vì họ. Tưởng rằng vì lý tưởng cộng sản nên Trung Quốc sẽ bảo vệ Ponpot cộng sản bằng mọi giá, khi giải quyết vấn đề Campuchia, ta đã đề xuất “ giải pháp đỏ ” để lấy lòng họ mặc dù biết rằng thực hiện “ giải pháp đỏ ”, ta sẽ phải trả giá, sẽ bị quốc tê tẩy chay. Thế mà rồi ! chính họ lại bác bỏ. Họ nói: “ Đúng là trong bốn bên Campuchia, xét về lực lượng quân sự và tổ chức thì hai đảng Cộng sản là mạnh nhất. Họ có vai trò nhiều hơn. Song chỗ chúng tôi không đồng ý là giải pháp này chỉ tranh thủ hai phái cộng sản, còn các lực lượng khác là phái Sihanuc và phái Sonsan ”.

Trong khi họ đã đi đêm với Mỹ để lợi dụng cho công cuộc “ Bốn hiện đại hóa ” của họ, thì đầu tháng 11 năm 1991, sau hơn một thập kỷ tuyệt giao do cuộc chiến Trung- Việt đẫm máu hồi tháng 2 năm 1979, tổng bí thư Đỗ Mười sang thăm Trung Quốc lại hăm hở đề xuất xiết chặt tình đồng chí để cùng nhau “ bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc”. Chua chát sao, tổng bí thư ta chỉ được đáp lại một đối sách hững hờ: “Thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đấu ” ( thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau ).

Vì quá mê muội ý thức hệ nên không chỉ lầm lẫn mà ta còn bị lừa quá nhiều do đặt niềm tin rất khờ dại vào họ.

Ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung Quốc ra tuyên cáo về lãnh hải 12 hải lý, kể từ đất liền của họ. Ngoại trừ Cộng hòa nhân dân Triều Tiên, quốc tế không ai công nhận. Riêng Việt Nam lại quá sốt sắng. Chỉ mười ngày sau đó, ngày 14 tháng 9, thủ tướng Phạm văn Đồng, được lệnh, với tinh thần “Bốn phương vô sản đều là anh em ”, đã ký văn bản thừa nhận lãnh hải Trung Quốc bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa.

Sử sách Việt Nam qua “ Thiên nam tứ chi lộ đồ thư ” ( 1630-1653 ) và qua “ Annam lộ toàn tập” của Đỗ Bá Công Đạo đã từng ghi các chi tiết về địa lý của Hoàng Sa. Từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên ( 1613-1615 ), và có thể trước đó nữa, ta đã thành lập các đội Hoàng Sa để tìm kiếm khoáng sản. Học giả Lê Quý Đôn ( 1726-1784 ) qua tham khảo sổ ghi chép của đội Đức Hầu cho biết năm 1702, ta đã khai thác được 30 thỏi bạc, năm 1704 được 5.100 cân thiếc, năm 1706 được 126 thỏi bạc ở Hoàng Sa. Năm 1925, đoàn khảo sát địa chất dưới quyền lãnh đạo của tiến sỹ A. Krempf – giám đốc ngành Hải dương học Đông Dương – đã xác định rằng Hoàng Sa nằm trong cấu trúc địa chất của dải Trường Sơn kéo dài ra biển. Ông kết luận: “ Về phương diện địa chất, Hoàng Sa đúng là một phần của Việt Nam ”.

Cho đến sau Cách mạng Tháng Tám, trong “ Biểu đối chiếu tên cũ và tên mới đối với các đảo ỏ Nam Hải ” ta vẫn ghi rõ tên 172 đảo của mình.

Tiếc rằng, các bản đồ do Cục Bản đồ thuộc Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam in năm 1960, bản đồ thế giới do Cục Đồ bản trực thuộc Thủ tướng Chính phủ in năm 1972 và của Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1974 đều ghi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Trung Quốc !!!

“ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư ” –

Những binh sỹ Trung Quốc trẻ ngày nay có thể không nhớ những Bạch Đằng, Đống Đa, Chương Dương, Hàm Tử … Có thể không biết 30 vạn quân Tống đã bị đánh cho tan tác, tơi bời chỉ bởi 10 vạn quân dưới triều nhà Lý; không biết trong cuộc xâm lăng năm 1285, quân Nguyên đông hơn nửa triệu, còn triều đình nhà Trần, lúc động viên cao nhất cũng chỉ có 30 vạn quân. Nhưng, hẳn họ phải biết trong cuộc chiến hồi tháng 2 năm 1979, những người lãnh đạo đất nước họ đã huy động tới 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, nhiều binh chủng kỹ thuật với gần 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay các loại của hầu khắp các quân khu của Trung Quốc bất ngờ ào ạt tấn công Việt Nam, để rồi 30 ngàn quân trong số đã bị loại khỏi vòng chiến chỉ trong ít ngày.

Hẳn đòn đau vẫn còn ngấm sâu nên mạng Sina-Tàu cũng còn biết gờm: “ Việt Nam là nước có thực lực quân sự mạnh nhất ở Đông Nam Á, lại có kinh nghiệm chiến tranh phong phú, đặc biệt là kinh nghiệm chiến tranh với các nước lớn quân sự. Cho nên nhìn từ góc độ nào thì Việt Nam cũng là “ khúc xương khó nhằn ” ”.

Về tinh thần quyết chiến thì xin hãy nghe đây: “ Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo của Việt Nam Cộng hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình ”. Đây là lời trích từ “ Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về những hành động gây hấn của Trung Cộng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa ”. Tuy nhiên, đấy mới chỉ biểu thị sức mạnh và ý chí của nửa nước, trong tình trạng nước bị phân đôi.

Lại nữa, không phải như dưới thời Lý, Trần, Lê …, chống Trung Quốc, Việt Nam chỉ đơn thương độc mã.

Ngay sau chuyến xuất ngoại để lập đường dây nóng với lãnh đạo Trung Quốc của tổng bí thư Nông Đức Mạnh, tại Washington, trong thông cáo chung Việt Nam – Hoa Kỳ ngày 24 tháng 6 năm 2008 nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của thủ tưỡng Nguyễn Tấn Dũng đã vang lên lời cam kết “Hoa Kỳ tôn trọng và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ” của tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush. Củng cố cho lời tuyên bố này, ngày 7 tháng 8 năm 2008, tại Bangkok, hơn một lần tổng thống Bush lại xác định: “ Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một mối quan hệ phức tạp và tôi đã tìm cách gỡ rối mối quan hệ này trên 4 nguyên tắc: củng cố liên minh, tìm bạn mới, thắt chặt quan hệ kinh tế, và sau cùng, hợp tác và bảo vệ quyền lợi chung. Bốn nguyên tắc này giúp Hoa Kỳ và đồng minh tại Á Châu tạo nên một chính sách căn bản để đối đáp với Trung Quốc ”. Trước đó, ngày 1 tháng 6 năm 2008, tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh Châu Á ở Singapore, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gate cũng tuyên bố Hoa Kỳ không quên cam kết của mình đối với an ninh và ổn định tại Châu Á.

Trong buổi họp báo mới đây ( 20 tháng 8 ), nhân kỷ niệm một năm nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam của minh, không phải không dụng ý, trong khi tầu đánh cá mang hỏa tiễn Trung Quốc lởn vởn quanh khu vực mà trước đây công ty BP của Anh thăm dò dầu khí theo hợp đồng với Việt Nam, đại sứ Michael Michalak đã thêm một lần dằn lại lời tuyên bố kim cương trên kia: “ Hoa Kỳ ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam ”.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 6 năm 2008 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, PetroVietnam đã ký kết hợp đồng thăm do khai thác dầu khí trên cả một dải Biển Đông ngoài khơi từ miền Trung đến miền Nam Việt Nam với công ty Exxon Mobil của Hoa Kỳ. Trung Quốc phản đối, nhưng hôm 28 tháng 7, 2008, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phản bác ý đồ gây áp lực của Trung Quốc đối với Exxon Mobil. Về những lô dầu khí mà công ty BP của Anh đã thăm dò trước đây rồi phải ngừng lại khi bị Trung Quỗc phản đối, báo South China Morning Post cho biết trong mấy tuần gần đây, các nguồn tin từ những công ty dầu khí quốc tế của Anh, Pháp, Nga như BP, Total, Gazprom đều mạnh mẽ xác nhận là vẫn muốn đẩy mạnh sự thực hiện những hợp đồng đã có và sẽ ký với Việt Nam.

Nói chung, cả sử sách, cả tinh thần dân tôc ta và lòng người trên thế giới đều bảo đảm cho ta có thể đương đầu và đánh bại ý đồ xâm lăng của Trung Quốc, nếu có, ngoại trừ điều này: thật là phản phúc, nếu lại có một ông Lê Chiêu Thống hiện đại nào đó trải thảm đỏ đón họ vào để cậy nhờ họ bảo vệ ngai vàng cho mình bằng xương máu của nhân dân. Dẫu sao, nếu có vậy đi nữa thì cuộc chiến cũng chỉ sẽ cam go hơn chứ chắc chắn họ không thể nào xây dựng được một ngụy quyền ổn định lâu dài. Mỹ gặp khó khăn ở Afganixtan, ở Iraq một thì ở đây họ sẽ gặp trăm nghìn lần gian nguy hơn.

Khi họ hối thúc nhau hãy tận dụng thời cơ lực lượng quân sự Việt Nam đang còn yếu thế hơn, đặc biệt về hải quân, so với họ, đồng thời lại đang khó khăn, lúng túng trước nhiều rối ren trong kinh tế, trong xã hội để “ giải quyết sớm vấn đề Việt Nam ” thì không biết họ có nghe thấy không ? Rằng, tại Hoa Kỳ có một khuynh hướng lượng định rằng nếu trước sau Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng sẽ đụng độ nhau trên chiến trường ( trong thế kỷ này ), thì đụng độ sớm có lợi hơn là nấn ná dành thời cơ cho Trung Quốc giàu mạnh lên. Nếu Trung Quốc đánh chiếm Việt Nam để kiểm soát con đường biển huyết mạch qua Trường Sa thì đây là cơ hội ngàn năm có một để Hoa Kỳ có cớ đại tấn công, hủy diệt tiềm năng quân sự và kinh tế của Trung Quốc, đẩy lùi hiểm họa cho nhân loại.

Nhân dân Trung Quốc rất đáng quý trọng và yêu mến, sức mạnh và sự quỷ quyệt của Trung Quốc rất đáng gờm, cho nên không gì hơn là phải bằng mọi cách, kể cả nhún nhường, duy trì và củng cố cho được mối bang giao hữu hảo giữa hai nước. Tuy nhiên, nếu họ điên cuồng xông tới hò nhau “ nhất chiến, an thiên hạ ” ( Đánh một trân, thiên hạ sẽ ổn định ) thì ta lại đành quyết chí một phen “ Đánh một trận sạch sanh kình ngạc ” để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Hà Nội 2 tháng 9 năm 2008
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm Hà Nội
Điện thoại : ( 04 ) 5 534 370
http://www.nguyenthanhgiang.com/

Tác hại của đàn áp

Đôi lời: Một bài báo cũ từ năm 2006, đọc lại thấy vẫn có tính thời sự. Cách hành xử theo lối mafia của nhà cầm quyền đối với nhân dân ngày càng lộ rõ. Mấy vụ công an giết người liên tiếp năm nay mà báo chí ỉm đi, 700 tổng biên tập là lũ vẹt hô một giọng: Đảng CSVN vạn tuế,thiên thiên tuế.

———————————–

Báo Le Paria số 16 ra tháng 7 năm 1923 có đăng bài “Tệ độc đoán ở Đông Dương – Người được bảo hộ và người đi bảo hộ” của Nguyễn Ái Quốc. Nguyên văn như sau:

“Ông Cẩm Đà Lạt (Trung Kỳ)” có một cách hiểu vai trò khai hóa của mình đến là hay. Một hôm, người cộng tác rất xứng của ông Xarô này cần đến ván gỗ. Ông ta sai một người đến kiếm ván ở nhà một người bản xứ làm nghề buôn bán. Nhà buôn này đòi phải trả tiền rồi mới được mang hàng đi. Nghe lời yêu cầu này, ông Cẩm nổi giận, phái ngay lực lượng vũ trang đến với nghiêm lệnh là dù “sống hay chết” cũng phải bắt cho được tên An Nam đó về sở.

Để tránh cơn giận của vị đại diện cho nước bảo hộ, nhà buôn không kể gì đang ốm cũng đành phải bỏ cả nhà cửa quê hương lánh sang tỉnh khác.

Một thầy thuốc người Âu chứng kiến tấn trò kể trên đã can thiệp để bênh vực nhà buôn bản xứ. Vụ can thiệp “chướng tai gai mắt” này làm cho viên thầy thuốc bị đổi đi, bị đầy lên Kon Tum, một nơi nước độc mà người Âu rất sợ… (bỏ bớt một đoạn)

Còn nhà buôn An Nam thì ra sao? Anh ta bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng “chống Tây”, vào số những kẻ cần theo dõi. Một bầy mật thám Pháp và An Nam bám riết, theo gót anh ta. Nhiệm vụ của bọn này là ghi từng giờ từng phút mọi hành động cử chỉ của anh ta, và tô đen tất cả mọi ý định của anh.

Công cuộc theo dõi này được tiến hành một cách khá lộ liễu để làm cho bạn bè quen thuộc người An Nam này phải chùn lại không dám lai vãng nhà anh nữa, đến nỗi đời sống của anh trở nên hết sức khó khăn. Bất cứ thế nào cũng không một người bản xứ nào dám đến nhà anh. Hoàn toàn bị cô lập với đồng bào của mình, nhà buôn này chỉ còn có hai con đường: hoặc đi ăn cướp, hoặc đi ăn mày. Nhưng cái nghề thứ hai này có thể lại làm cho anh đáng khả nghi hơn vì kiếp sống lang thang”.

Bài báo trên gần đây được viết lại như sau:

“Mấy ông lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có cách hiểu về chuyên chính vô sản đến là hay. Một số trí thức nọ vì quá tin vào lời tuyên bố “Dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra công việc của Đảng”, rằng “Dân chủ xã hội chủ nghĩa gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản” đã hăng hái vắt óc suy nghĩ, người thì soát xét lại các điểm đúng sai trong đường lối chính sách, người thì nhắc nhở về những cơ hội đã bị bỏ lỡ cho nên nay phải nắm bắt để khai thác cho được thời cơ vàng đang hiển hiện. Nói chung, họ là những đại biểu tinh hoa, dám dũng cảm nói lên những suy tư và ước vọng của nhân dân Việt Nam.

Nhưng…! Mấy ông lãnh đạo kia không biết nghe, không dám nghe, rất sợ nghe nên trợn trừng mắt quát tháo: “Đồ Nhân văn–Giai phẩm, đồ xét lại chống Đảng, đồ cấp tiến phản động, đồ “diễn biễn hòa bình”, đồ chống chủ nghĩa xã hội, đồ gián điệp…” vân vân và vân vân…

Để tránh cơn giận của Đảng cầm quyền, một số không kể gì đang ốm cũng đành phải bỏ cả nhà cửa quê hương lánh sang nước khác. (Không may thì làm mồi cho cá biển. May thì trở thành Việt kiều yêu nước trở về xây dựng quê hương.)

Còn những kẻ ở lại thì sao? (Đến đây, xin được lắp nguyên xi đoạn văn của ông Nguyễn Ái Quốc từ chỗ “Anh ta bị ghi tên vào sổ…” đến chỗ “kiếp sống lang thang” vào chỗ này.)

Người đang viết rất thần phục và thấm thía lời của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Anh sững sờ thấy như Nguyễn Ái Quốc sống lại để kể về thân phận của những người như mình hiện nay. Cũng “bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng “chống Tây” (ở đây xin đổi là chống CNXH), vào số những kẻ cần theo dõi. Một bầy mật thám Pháp (hiện nay không có mật thám Pháp) và An Nam bám riết, theo gót anh ta. Nhiệm vụ của bọn này là ghi từng giờ từng phút mọi hành động cử chỉ của anh ta, và tô đen tất cả mọi ý định của anh.

Công cuộc theo dõi này được tiến hành một cách khá lộ liễu để làm cho bạn bè quen thuộc người An Nam này (đổi lại là, người công dân nước CHXHCNVN này) phải chùn lại không dám lai vãng nhà anh nữa, đến nỗi đời sống của anh trở nên hết sức khó khăn. Bất cứ thế nào cũng không một người bản xứ nào dám đến nhà anh. Hoàn toàn bị cô lập với đồng bào của mình, nhà buôn này (đổi lại là người tạm gọi là trí thức này) chỉ còn có hai con đường: hoặc đi ăn cướp, hoặc đi ăn mày. Nhưng cái nghề thứ hai này có thể lại làm cho anh đáng khả nghi hơn vì kiếp sống lang thang”. (Người công dân này không đi ăn cướp, cũng không đi ăn mày nên không đi lang thang nhưng vẫn cứ bị khả nghi hơn.)

Thực tế đang khốn khổ gấp mấy nhà buôn thời Tây kia, người trí thức XHCN này còn bị tù biệt giam, bị khám nhà và tịch thu tài sản bốn năm lần, bị báo chí của Đảng xuyên tạc, vu khống, bôi bẩn, bị cắt điện thoại, bị ném đá vào nhà, bị tông xe giữa đường, bị đưa ra phường đấu tố, bị bọn đầu gấu được chính quyền thuê giả danh thương binh xông vào tư thất thóa mạ và gây sự hành hung…

Vậy mà, nhờ ơn Đảng đèn giời soi xét, anh chàng này vẫn được sung sướng hơn nhiều người khác. Nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, đại tá Lê Hồng Hà bị tù hai năm, tiến sĩ sinh vật học Hà Sĩ Phu bị biệt giam một năm chỉ vì dám cầm đọc bức thư của thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị ĐCSVN. Nguyễn Vũ Bình chỉ vì nộp đơn xin thành lập Đảng Tự do Dân chủ, Nguyễn Khắc Toàn chỉ vì đưa giúp đơn kêu oan, Phạm Hồng Sơn chỉ vì dịch tài liệu “Thế nào là dân chủ”, Lê Chí Quang chỉ vì kêu gọi “Hãy cảnh giác với Bắc triều” mà đều bị tù ba bốn năm. Đại tá Phạm Quế Dương chiến tích đầy mình cùng nhà giáo kỳ cựu Trần Khuê chỉ vì nộp đơn xin thành lập “Hội nhân dân Việt Nam ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng” mà cũng bị bỏ tù ngót nghét hai năm…

Nói là đưa ra phường đấu tố nhưng cách đây mươi năm, Nguyễn Thanh Giang được ngồi trong hội trường trước chỉ khoảng ba chục người gồm chủ yếu tướng tá và cán bộ. Bây giờ, Trần Khải Thanh Thủy – nhà giáo (đã 11 năm đào tạo nên hàng trăm học trò XHCN, trong số đó nhiều người đã trở thành cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước), nhà văn (đã có hơn chục tác phẩm với hàng trăm bài viết đăng trên các báo của Đảng) – bị lôi ra giữa sân vận động cho mấy trăm người được tập trung đến để nghe các “chuỗi, rễ của Đảng” lên đấu tố, xỉ vả bằng những bài bản đã được bồi dưỡng trước.

Cùng bị Nhà nước tổ chức cho bọn anh chị xông vào nhà hành hung nhưng Nguyễn Thanh Giang chỉ bị “tiếp” vài chục tên còn Trần Khải Thanh Thủy bị hàng trăm người xông vào giẫm sập giường, phá tan tành cửa sổ. Rồi, vả vào miệng, tát vào mặt vợ, túm tóc giật ngược mặt chồng ra đằng sau…

Ông già ngoại 80 Hoàng Minh Chính thì bị ném mắm tôm pha dầu nhờn vào nhà. Phạm Hồng Sơn thì bị hô hoán vu cho là buôn bạc giả để bọn giả danh đầu gấu bóp cổ, đấm vào đầu. Mục sư thì bị nữ sĩ quan công an nắn bóp hạ bộ (thú thật riêng việc này rất khó tin)…

Thật là “Chặt hết trúc Nam Sơn không ghi tầy tội ác. Múc cạn nước Biển Đông không rửa sạch oán hờn”.

Đảng và Nhà nước làm như vậy để làm gì nhỉ ? Để tô thêm đẹp hai chữ vinh quang cho Đảng ư? Để giữ vững ổn định chính trị ư ? Để hòng ôm chặt được cái ghế ư ?

Nhầm!

Chính sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền đã chuyển những thiện chí thành đối địch, ôn hòa thành nộ khí và dần dần xuất hiện những “quyết tử quân cảm tử cho tự do, dân chủ, nhân quyền quyết sinh”.

Trước ngày bị vào tù, linh mục Nguyễn Văn Lý chỉ đấu tranh trong giáo phận Nguyệt Biều. Ra tù, ông trở thành một trong những ngọn cờ lớn đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do ngôn luận…

Trước ngày bị vào tù, Nguyễn Khắc Toàn như một người rất nhát. Đến nhà những người hoạt động dân chủ anh thường nghiêng nghiêng ngó ngó mắt trước mắt sau làm cho ai cũng tưởng anh là công an giả dạng. Anh có viết một số bài đấu tranh dân chủ nhưng mỗi bài phải ký một mật danh. Cho nên, anh vào tù sau một thời gian dài mà rất ít thấy có tiếng nói bênh vực. Riêng mỗi tôi biết các mật danh của anh nhưng chỉ dám công bố sau khi tìm được cách hỏi ý kiến anh. Thế mà ra tù, anh vượt lên hàng đầu trở thành tấm gương dũng mãnh đạp qua sợ hãi cho cả một lớp trẻ ào ào noi theo. Đang trong thời gian bị quản chế nhưng anh ngang nhiên phá rào, công khai ra báo, công khai đứng lên thành lập và đảm đương vai trò thủ lĩnh Công đoàn Độc lập Việt Nam.

Trước ngày bị khủng bố dữ dội, hầu như không ai biết những hoạt động đấu tranh cho dân chủ của Trần Khải Thanh Thủy. Càng bị đàn áp dã man, nhà văn này càng mạnh mẽ quật cường, càng trở nên bất trị đối với nhà cầm quyền. Những kẻ cay cú với cô gọi cô là “giặc cái”, những người cảm mến gọi cô là “anh hùng”. Thực ra không hẳn là cô đã thu phục được mọi người. Nhưng rồi, ngay cả nhiều người vốn không đồng tình với cách viết chát chúa của cô cũng quay lại đứng hẳn về phía cô để che chở cô, để tôn vinh cô vượt mức, như một cử chỉ chống trả tương thích sự tàn bạo quá mức của nhà cầm quyền đối với cô.

Trường hợp Hoàng Minh Chính cũng vậy. Đảng đang được tiếng độ lượng khi cho Hoàng Minh Chính sang Mỹ chữa bệnh trong khi uy tín Hoàng Minh Chính đang giảm xuống rất thấp vì những tuyên bố hớ hênh trên đất Mỹ thì hành động tạt nước pha át xít vào nhà, đập chai nhựa vào đầu ông làm cho niềm thương cảm cháy lên hừng hực, tỏa hào quang vào ông.

Trong nước càng đàn áp mạnh thì đồng bào Việt Nam ở nước ngoài càng ghê tởm chính quyền cộng sản Việt Nam, càng trực tiếp tố cáo dồn dập với các tổ chức quốc tế, với chính phủ các nước, làm cho bộ mặt giới lãnh đạo càng trở nên nhem nhuốc trước nhân loại, dẫn đến những tẩy chay, những trừng phạt từ mức độ này đến mức độ khác.

Không biết rồi người ta có nghiêm chỉnh rút kinh nghiệm, có biết phân tích để có được bài học không nhỉ ? Thử hỏi, nếu thấy bất lực, không thể nào thuyết phục nổi thì hãy cứ đành để một Trần Khải Thanh Thủy ở mức nhà văn đối kháng là hơn hay cứ ra sức cưỡng bức cho cô phải trở thành “giặc cái” hay “anh hùng” là hơn đối với họ? Tự họ đã tạo ra tình huống trớ trêu này: không đàn áp thì hóa ra Đảng thua một người dám chống đối, mà sử dụng mọi mưu ma chước quỷ, cùng với vũ lực chuyên chính khổng lồ đề thỏa mãn uy nộ thì cũng có vẻ vang gì đâu, khi Đảng thắng được một người phụ nữ! Không kể rằng qua vụ này họ còn trở nên có tội lớn đối với cụ Hồ. Trước đây, khi phỉ báng cụ Hồ, Trần Khải Thanh Thủy phải lấy các bút danh khác như: Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Quý Dân… Hầu hết người đọc nghĩ rằng đấy là một người đang ở nước ngoài (mà người ở nước ngoài thóa mạ cụ Hồ thì nhiều lắm, cho nên thêm Thái Hoàng hay Thoáng Hài gì nữa thì cũng thường thôi, mấy ai để ý). Nay công an ta công bố rõ ràng rằng ngay cả một cô giáo, một Hội viên Hội Nhà văn của Việt Nam, con một đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ năm 1947) cũng căm ghét và phỉ báng cụ Hồ thậm tệ đến thế thì mức độ tai hại hẳn được nhân lên bội phần hơn chứ! Nói chung, tất cả những người bị tù đầy, bị đàn áp càng nặng nề đều trở nên càng quyết liệt hơn.

Những đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp đã dựng nên những Nguyễn Trung Trực, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học…, làm nổ ra những Khởi nghĩa Yên Bái, Xô Viết Nghệ Tĩnh rồi dẫn đến Cách mạng tháng Tám thành công.

Một triết gia phương Tây có câu nói nổi tiếng: “Sự tàn bạo tự nó uống một phần lớn thuốc độc của nó”. (La méchanceté boit telle-même la plus grande partie de son poisons). Những người lãnh đạo ĐCSVN và nhà cầm quyền Việt Nam nên tâm niệm điều này.

Hà Nội 6 tháng 11 năm 2006

Nguyễn Thanh Giang
http://www.nguyenthanhgiang.com/

Nhật ký Rồng Rắn-Trần độ

Tớ rất lười đọc, nhưng thấy tập Nhật ký Rồng Rắn của trung tướng Trần Độ rất hay, ngôn ngữ bình dân, không quá cao siêu theo phong cách hàn lâm. Mượn tài liệu của vnthuquan về đọc dần, ai thích thì xin mời đọc cùng cho vui

———————————————–

PHẦN MỘT

I. Hiện nay, cái gì là quan trọng nhất ?

14.11.2000
Thử nghĩ về tình hình đất nước Việt Nam hiện nay.
Thử nêu một câu hỏi ?
Điều gì là điều quan trọng nhất cho đất nước hiện nay, điều gì là quan trọng cốt tử ?
Đó là tìm ra con đường phát triển đất nước cho mau chóng để thoát khỏi nghèo khổ, lạc hậu, để bù lại 50 năm gian khổ và 30 năm chiến tranh, gọi tắt là tìm đường phát triển.
Nay lại có vấn đề quan trọng hơn, quan trọng nhất, là: giải quyết bằng được cái gọi là Chủ nghĩa xã hội, đề cao và giữ vững vai trò của Đảng cộng sản ?
Hãy nhìn lại xem: từ năm 1975 đến 1985, mười năm xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cả nước và nước có tên là: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa” thì đất nước ra thế nào ? Có phải suýt chết đói, suýt rơi xuống vực thẳm rồi không ? Thắng lợi 1975, ta đã thu lại một nửa nước no đủ và đầy hàng hoá, thế mà ta đã phát huy thắng lợi đó ra sao, mà đến những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước đói nghèo, ngắc ngoải.
Đó có phải là một sự thật hiển nhiên không ?
Đảng cộng sản chân chính thì coi việc “phát triển đất nước” là quan trọng hơn là cố giữ vững và đề cao vai trò của Đảng.
Mọi tư duy phải xuất phát từ điểm này. Hồ Chí Minh cũng luôn nói về Đảng rằng Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước và dân tộc. Thế là rất đúng.
17.11.2000
Nếu chỉ lấy yêu cầu phát triển đất nước là mục tiêu quan trọng nhất để xem xét, thì thử hỏi:
Có nhất thiết chỉ có chủ nghĩa Mác- Lênin, chỉ có chủ nghĩa xã hội, mới làm cho đất nước phát triển hay không ? Nếu chỉ cần nêu cao vai trò của Đảng, thì có nghĩa là đất nước phát triển hay không phát triển là không quan trọng.
Vậy hãy cứ xem quanh ta: Đài Loan, Đại Hàn, Singapore và thêm nữa, Thái Lan và Malaysia, mấy nước này có do chủ nghĩa Mác-Lênin hướng dẫn không ? Những nước ấy có cần có một Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối theo chủ nghĩa xã hội không ? Thế mà cả 5 nước ấy, khi bắt đầu còn nghèo khổ, vậy mà chỉ sau khoảng 20-30 năm họ đã trở thành những nước phát triển rõ ràng, nhân dân đa số có đời sống khá phong lưu.
Họ không có một Đảng cộng sản “tài tình”, “sáng suốt”, mà chỉ có những chính khách, có được chính sách kinh tế xã hội thông minh và có hiệu quả. Còn Việt Nam, kể từ khi toàn thắng trong cuộc chiến tranh đến nay đã hơn 25 năm và sắp sửa có hoà bình 30 năm, dài bằng thời gian chiến tranh rồi, mà vẫn chưa thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Chậm hay nhanh không quan trọng, cứ phải là xã hội chủ nghĩa đã. Thế tại sao hiện nay đất nước lại có những mặt phát triển rõ rệt là nông nghiệp, thương mại. Là vì nông dân được tự do làm ăn, tiểu thương được tự do buôn bán, là nhờ sau Đại hội VI, hai mặt đó được mở ra. Mới chỉ thế thôi, đất nước đã chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng còn nhiều người, nhiều cái không được tự do, còn nhiều trở ngại. Muốn cho đất nước phát triển nhanh thì cần phải làm sao cho mọi người dân đều được tự do làm ăn, nông dân, thương nhân, nhà doanh nghiệp (nhà doanh nghiệp sẽ kéo theo công nhân), các nhà khoa học, trí thức văn nghệ sĩ. Tất cả đều phải được tự do.
Tự do là chìa khoá của phát triển.
Tôi nghĩ thế này: nước Việt Nam ta hiện nay, sau bao nhiêu năm đấu tranh và chiến tranh gian khổ, cần phải hoà bình phát triển và cần phải phát triển nhanh, để bù lại những thời gian đã mất, và để theo kịp các nước chung quanh. Đó là mục đích và yêu cầu quan trọng nhất của đất nước. Những cái khác là phụ. Do đó, để phát triển đất nước thì rõ ràng ta phải tìm đường lối nào, học thuyết nào phục vụ được yêu cầu đó.
Nếu thật sự coi phát triển đất nước là quan trọng nhất thì Đại đoàn kết dân tộc là quan trọng hơn đấu tranh giai cấp; trí thức quan trọng hơn công nhân và nông dân; phát triển sức sản xuất là quan trọng hơn mọi thứ; để dân làm chủ mọi lĩnh vực quan trọng hơn các trò chuyên chính đàn áp; nghe và thu thập được nhiều ý kiến khác nhau và trái ngược nhau kể cả về đường lối chính sách, quan trọng hơn là bắt mọi người phải tuân theo một quan điểm, một ý kiến.
22.11.2000
Thật ra, không cần phải tranh cãi lý luận nhiều. Cứ nhìn một số sự thật hiển nhiên thế này:
– Cả thế giới, cả cuộc đời cứ vận động và cứ diễn biến, khó có thể dự liệu trước được.
– Trên thế giới có đến hơn 100 nước không cần chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội, không cần có Đảng cộng sản “tài tình” và “sáng suốt” mà cứ phát triển đến trình độ giàu có, văn minh cao. Gần 100 nước khác còn đang nghèo đói cực kỳ, nhưng họ cũng không phát triển theo chủ nghĩa xã hội.
– Bây giờ chỉ còn lại có 4 nước theo chủ nghĩa Mác- Lênin và chủ nghĩa xã hội. Trong đó nước lớn nhất và quan trọng nhất thì miệng nói chủ nghĩa Mác-Lênin, nhưng họ đưa đất nước tiến lên theo kiểu “có màu sắc Trung Quốc”. Họ phải chơi với Mỹ, xác định vai trò kinh tế tự do và vai trò kinh tế tư nhân. Còn Bắc Triều Tiên cũng đang buộc phải mở cửa, phải hoà hợp với Nam Triều Tiên để thoát khỏi cảnh đói nghèo và khó khăn.
– Nửa đầu thế kỷ, Cách mạng Tháng 10 Nga thành công, rồi Liên Xô ra đời và sau đó, cả một thế giới xã hội chủ nghĩa hình thành, có sự phát triển một thời rất mạnh. Nhưng sau 70 năm thì chủ nghĩa xã hội không phát triển kịp với thế giới, bị sụp đổ và tan rã. Tiếp theo đó, nhiều Đảng cộng sản phải thay đổi tôn chỉ và đường lối. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa không hề tỏ ra nhớ tiếc.
– Càng ngày càng rõ ra là chủ nghĩa Mác – Lênin không dự đoán đúng được mọi việc, không giải quyết được tất cả mọi vấn đề mới nảy sinh của cuộc sống. – Có người nói cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga thành công và Liên Xô ra đời là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20. Vậy thì sự sụp đổ của cái “quan trọng” ấy lại càng “siêu quan trọng”.
– Ở Việt Nam, từ 1975 đến 1985 ta chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Điều đó đã làm đất nước và nhân dân khốn khổ. May mà năm 1986, Đảng cộng sản phải nghe theo dân và phải đổi mới, nhưng sự đổi mới ấy lại cứ nửa vời, chập chờn, làm cho sự phát triển đất nước cũng cứ chập chờn, cứ nhùng nhằng, do đó đã qua đi 25 năm mà tương lai chưa hứa hẹn gì nhiều. Trong khi đó sự tụt hậu cứ càng ngày càng tụt xa, ta không sao theo kịp các nước không xã hội chủ nghĩa. Như vậy “xã hội chủ nghĩa” chỉ là một lý thuyết của một học thuyết chưa được chứng thực (chỉ mới có sự chứng thực của sự thất bại và đổ vỡ sau 70 năm tưởng rằng đã thành công).
Như vậy nó không thể là con đường duy nhất để phát triển đất nước.
Cách mạng và xây dựng, và tiến hoá
Hình như mỗi xã hội, mỗi đất nước trong tiến trình phát triển của mình đều phải trải qua những thời kỳ cách mạng và thời kỳ xây dựng.
Cách mạng là đập phá, đánh đổ. Nó có ý nghĩa xây dựng ở chỗ nó đập phá và đánh đổ những cái gì là lỗi thời cũ kỹ để tạo điều kiện cho những cái mới mẻ, cái tiến bộ ra đời và phát triển.
Khi xây dựng thì vẫn tiếp tục phải loại bỏ những cái gì lạc hậu, lỗi thời, cũ kỹ, phản động, nhưng xây dựng thì chủ yếu phải có việc xây đắp và tạo ra những giá trị mới cả tinh thần vật chất làm cho xã hội tiến bộ và phát triển cao hơn.
Nhưng cho đến ngày nay, với sự phát triển rất cao của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, thì hình như ỏ tất cả các xã hội nhân dân đều mong muốn đất nước phát triển hoà bình và mong muốn tránh bớt những bạo lực, những lật đổ và chiến tranh. Phải chăng lịch sử loài người đã bước sang kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên hoà bình và loại trừ bạo lực, loại trừ chiến tranh ? Nhân dân chỉ muốn tiến hoá, chứ không muốn cách mạng bạo lực! Đất nước ta đã trải qua một thời kỳ lịch sử kéo dài gồm những cuộc chiến đấu chống xâm lược giành độc lập, hoà bình xây dựng, rồi lại bị xâm lược. Và lại chiến tranh chống xâm lược. Qua quá trình đó mà đất nước ta trưởng thành và phát triển. Cho đến nay, đất nước đã được hoà bình độc lập, thống nhất.
Không biết tương lai loài người sẽ phát triển, tiến bộ thế nào và do đó đất nước ta sẽ gặp những tình huống thế nào ? Nhưng chắc chắn là những bước đi sắp tới của ta cũng không có thể lặp lại y nguyên những tình hình trước đây. Tuy nhiên, trước mắt ta thấy rất rõ là đất nước ta đang ở chỗ đã thực hiện được 3 chữ trong 5 chữ của chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra: đó là một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Ta đã đạt 3 chữ hoà bình, độc lập, thống nhất. Ta đang phải thực hiện cho được 2 chữ dân chủ và giàu mạnh.
Theo cách khác, cũng do Hồ Chí Minh nêu ra 3 chữ:
1. Độc lập,
2. Tự do,
3. Hạnh phúc.
Ta đã đạt được độc lập và phải tiếp tục thực hiện nốt tự do và hạnh phúc, cũng tức là hai chữ dân chủ và giàu mạnh.
Hồ Chí Minh đã nói một câu mà bây giờ rất nhiều người biết và nhắc đến: “Độc lập mà không có tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng vô nghĩa”.
Như thế cũng có nghĩa là phải có dân chủ và giàu mạnh. Nhiều người cho rằng: có xã hội chủ nghĩa thì tất nhiên có tự do hạnh phúc. Nhưng sự thật lớn của thế giới đã chứng thực là không phải vậy. Chiến tranh lớn và các hoạt động bạo lực, lật đổ càng ngày càng trở nên lạc hậu lỗi thời.
Để có tự do và hạnh phúc, không nhất thiết phải có bạo lực, không nhất thiết phải đánh đổ ai. Thậm chí ngày nay có những nền độc lập giành được cũng không cần có bạo lực và chiến tranh. Hiện nay nước ta đang bước vào xây dựng, mà xây dựng thì phải hoà bình, mà hoà bình xây dựng thì đất nước cũng hoà bình phát triển, tiến hoá ngày càng cao.
Không nên lạm dụng chữ cách mạng. Ta bây giờ không phải là cách mạng chống ai cả, không phải đánh đổ ai cả. Xây dựng hoà bình thì phải đoàn kết, có gì trở ngại thì hoá giải nó để tiến lên. Ta đã làm chủ đất nước. Vậy thì ta thực hiện cái nguyên lý mà Đảng cộng sản đã nêu ra và đề cao chất ngất. Đó là phê bình và tự phê bình. Ta có thể tự phê bình dân tộc, tự phê bình chính quyền, tự phê bình các cơ quan. Tự phê bình thì sẽ tiến bộ và có dân chủ. Tự ca ngợi, lại tự ca ngợi quá nhiều, quá đáng, thì đó là chỉ dấu báo hiệu sự tàn tạ.
Không được lạm dụng chữ cách mạng. Ta đang xây dựng thì chỉ có xây dựng: xây dựng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không thể lúc nào cũng phải có chương trình hoạt động cách mạng, lúc nào cũng phải hành động cách mạng.
Sản xuất không phải là cách mạng. Giáo dục không phải là cách mạng. Đại hội cũng không phải là cách mạng. Hội nghị liên hoan văn nghệ càng không phải là cách mạng. Chống lụt chống bão, cứu trợ từ thiện cũng không phải là cách mạng. Ở rất nhiều nơi, nhiều lúc, không cần đến cách mạng. Nhưng ở tất cả các nơi đều cần có tự do, và lớn nhất là “tự do làm ăn” phải có tự do hưởng lợi ích của kết quả sự làm ăn đó.
Chính quyền bây giờ không phải là chính quyền cách mạng. Điều đó chỉ có ý nghĩa khi cách mạng vừa mới thành công.
Ngày nay chính quyền phải là chính quyền xây dựng.
Chính quyền xây dựng thì phải có những chủ trương, chính sách làm cho mọi người dân đều được tự do làm ăn. Và từ đó người dân phải có tự do nói, tự do tìm thông tin và trao đổi thông tin. Như thế tự do làm ăn mới thực hiện được. Xây dựng thì hàng ngày hàng giờ phải tạo ra những giá trị mới, từ nhỏ đến lớn. Nhưng công tác tư tưởng của Đảng thì lại chỉ quan tâm tới những công việc có ý nghĩa – có ý nghĩa kỷ niệm, có ý nghĩa lịch sử vv…, mà không quan tâm tới những công việc có hiệu quả tạo ra những giá trị mới.
Nguyện vọng tha thiết và sâu sắc của dân là được quyền sống, được quyền tự do kiếm sống nuôi mình, được quyền tự do lo cho con cái, cháu chắt. Mọi người ai cũng đều mong có nhà, có phương tiện đi lại, có phương tiện học tập giải trí. Muốn thế phải được tự do làm ăn, tự do thu nhập hợp pháp. Đó là điều cốt yếu và là lý tưởng thiết thực, chứ không cần một thứ tinh thần cách mạng để đánh đổ ai, không cần một lý tưởng cách mạng xã hội nào. Chính quyền của nhân dân cần hiểu rõ điều đó. Chỉ có nhân dân được tự do, đất nước mới phát triển được. Làm khác đi chỉ trở ngại cho sự phát triển của đất nước.
Ở Việt Nam cuộc cách mạng 50 năm đã đập tan được cái gì và xây dựng nên cái gì ?
3.12.2000
Quanh đi quẩn lại vẫn phải trả lời cho câu hỏi: nước ta đã từ cái gì bước sang cái gì và hiện đang là cái gì ?
Rõ ràng là ta đã từ chiến tranh bước sang hoà bình, đang từ tình trạng cách mạng bước sang tình trạng bình thường.
Và cũng có thể nói cách khác là ta đã từ tình thế chiến tranh cách mạng bước sang cuộc sống hoà bình đời thường.
Ai cũng phải nhận thấy rằng tình thế chiến tranh và cách mạng là tình thế không bình thường, là tình thế bất thường. Và hoà bình xây dựng là bình thường, là đời thường. Những ai cả đời, hoặc phần lớn cuộc đời, sống trong chiến tranh và cách mạng là những người có cuộc đời phi thường. Nhưng dù như thế những người phi thường đó cũng phải có một cuộc sống đời thường: ăn, ngủ, mặc, ốm đau, học tập, giải trí, nhất là lấy vợ (chồng) đẻ con, nuôi con vv… Chỉ có điều những chi tiết cuộc sống đời thường đó đã phải giải quyết và thực hiện một cách bất thường.
Bây giờ phải giải quyết và thực hiện cuộc sống đời thường đó một cách bình thường.
Đó là lẽ tự nhiên, và lẽ tự nhiên đó phù hợp với sự tự nhiên của tạo hoá. Ai cứ muốn làm khác lẽ tự nhiên đó thì trở nên gàn dở và điên cuồng.
Cuộc sống chiến tranh và cách mạng có những yêu cầu đặc trưng của nó. Những yêu cầu như:
• Có Đảng lãnh đạo tuyệt đối toàn diện;
• Có nguyên tắc tập trung dân chủ. Có yêu cầu kỷ luật sắt, chỉ có chấp hành không bàn cãi;
• Chịu đựng gian khổ, hi sinh;
• Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.
Đó là những yêu cầu cần thiết và hợp lý, mỗi người và toàn thể nhân dân vui lòng chấp nhận, tự nguyện chấp nhận và thực hành. Và thực sự, cuộc đấu tranh đã nhờ những yêu cầu đó mà có sức mạnh để giành thắng lợi.
Nhưng khi đất nước đã chuyển sang hoà bình xây dựng và cuộc sống đời thường thì không thể tiếp tục yêu cầu như vậy được nữa.
Trước đây phải có một Bộ chỉ huy, một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ để lãnh đạo và chỉ huy chiến tranh và cách mạng. Bộ máy lãnh đạo có quyền đề ra những yêu cầu như vậy và mọi người sẵn sàng tự nguyện tuân theo.
Nhưng không thể cứ kéo dài những yêu cầu đó trong hoà bình và xây dựng.
Nếu cứ tiếp tục cứ yêu cầu như vậy trong hoà bình xây dựng thì đó là phản tiến bộ, phản dân chủ, là phản động.
Trong điều kiện hoà bình xây dựng, tức là trong đời thường cần có một bộ máy quản lí xã hội phù hợp với cuộc sống đời thường.
Tôi được đọc ý kiến của một số nhà nghiên cứu nêu lên một cách có lý luận là một xã hội đời thường như vậy cần có 4 thứ: (coi như 4 bánh xe của một cỗ xe)
1. Một xã hội công dân.
2. Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh chứ không định hướng gì lôi thôi.
3. Một nhà nước pháp quyền.
4. Một nền dân chủ đầy đủ.
Như vậy là một xã hội đời thường phải có: xã hội công dân, thị trường, pháp quyền và dân chủ.
Bộ máy quản lý xã hội ấy là một bộ máy dân chủ. Nói dân chủ thì cứ phải dân chủ đã, không phải chưa nói dân chủ đã đề phòng “dân chủ quá trớn”, đề phòng “lợi dụng dân chủ”. Khi dân có dân chủ thì dân phải “dùng” cái quyền dân chủ đó, “dùng” không phải là “lợi dụng”. Mà dân chủ nào cũng là dân chủ có quy chế, có quy tắc. Ai làm sai những quy chế, quy tắc đó thì phải phạt. Người đứng đầu như Chủ tịch, Thủ tướng, Chánh án, Giám đốc mà làm sai quy chế dân chủ thì cũng phải phế truất, không thể có chuyện đổ cho người ta tội “dân chủ quá trớn” và “lợi dụng dân chủ”. Và tại sao lại chỉ đề phòng “lợi dụng dân chủ” mà không đề phòng “lợi dụng không dân chủ” ? Bộ máy quản lý xã hội dân chủ là một bộ máy phải được xây dựng nên một cách dân chủ, nó có đủ quyền hạn mà nó được phân công, nhưng quan trọng nhất là nó phải được giám sát, tức là phải được nhân dân giám sát và các cơ quan trong bộ máy ấy giám sát lẫn nhau. Muốn thế phải thực hiện tự do ngôn luận và tự do bầu cử.
Ở ta, những điều đó đã được ghi trong Hiến pháp. Phải rà soát lại, phải thay đổi tất cả các bộ luật và các điều luật để bảo đảm đúng tinh thần Hiến pháp.
Nhưng rõ ràng có nhiều hiện tượng người dốt người kém lại cai trị, điều khiển người có tri thức; người không biết chuyên môn lại có quyền sai bảo dạy dỗ người có chuyên môn; người có trình độ rất thấp lại đi dạy dỗ chỉ đạo khắp nơi khắp chốn. Những hiện tượng đó là có thật, có thật rõ ràng, ai ai cũng thấy, ai ai cũng biết.
Quả là vào thập kỷ 80 thì cả nước mong ước thoát khỏi khủng hoảng toàn diện. Quả là đất nước lúc ấy ở vào tình trạnh “suýt chết”. Đó là chưa kể sau khi thắng lợi, hàng trăm nghìn người đã bỏ nước ra đi. Thế là hình thành nhiều trung tâm người Việt ở thế giới gần 2 triệu người.
Vậy là tại sao ? Tình trạng đó có phải do kẻ địch nào tạo ra, có kẻ địch nào bịa ra để nói xấu ta ?
Không !
Tất cả những ai đến nay ở tuổi 40-50 đều chứng kiến, cả “thắng lợi” lẫn “suýt chết” !
Vậy là do đâu ?
Quả thật là 50-70 năm vừa qua, đất nước ta đã trải qua nhiều biến động long trời lở đất, đã biến chuyển vĩ đại từ một đất nước nô lệ không tên tuổi trên thế giới, cực kỳ đói nghèo, dốt nát và lạc hậu, đầy nhục nhã, đầy dối trá, lừa đảo, đầy tệ nạn và oan khuất, trở thành một đất nước tên tuổi lừng lẫy, sự đói nghèo đó giảm bớt, sự dốt nát bị tiêu diệt.
Suốt quá trình đó, đều có vai trò nổi bật của Đảng cộng sản Việt Nam, có lúc tên là Đảng Lao động Việt Nam.
Nhưng tất cả những thắng lợi và tiến bộ ấy không thể quy hết vào công của Đảng cộng sản được, tuy rằng Đảng cộng sản có công lớn. Cũng không thể quy hết công vào chủ nghĩa Mác được.
Vì 50 năm và 70 năm ấy, nhiều nước ở quanh ta cũng có những biến chuyển lớn, lớn hơn cả nước ta. Họ đã từ nghèo nàn lạc hậu trở thành những nước giàu có và văn minh, còn nước ta vẫn còn ở trạng thái tụt hậu, đang phải cố gắng đuổi theo, mà sự đuổi theo ấy còn đang đuối sức.
Những nước ấy không hề nhờ vào chủ nghĩa Mác và Đảng cộng sản. Đó là một sự thực hiển nhiên, bất cứ ai dù có nhắm mắt cố tình cũng không thể không nhìn thấy.
Hiện nay những người khoảng trên 70 tuổi, tức những người được sinh ra trước năm 1930, cũng tức là những người đã được sống trong xã hội trước Cách mạng Tháng 8, thường có sự so sánh mặt nọ mặt kia của xã hội ngày nay với xã hội ngày xưa.
Khi so sánh như thế, ai nấy cũng đều thấy xã hội ta, đất nước ta ngày nay được độc lập, đã “sạch bóng quân xâm lược”. Thật là rõ ràng, hiển nhiên ngày nay dân ta có đời sống khá hơn nhiều so với trước đây. Trước đây là đường phố đầy người chết đói và ăn mày, ngày nay một người dân trung bình cũng mơ ước và có khả năng thực hiện một ngôi nhà cho mình, cho con, một xe máy, một bộ ti vi, tủ lạnh, bếp ga, nhất là đối với người ở thành phố và đô thị. Như thế so với thời chết đói và ăn mày thì đã là một trời một vực. Cái chuyện thời nay khác thời trước cách đây 50- 70 năm là một sự thường vì nhiều nước được như thế và còn hơn thế nữa. Không thể nói là nhờ vào chủ nghĩa Mác và Đảng cộng sản được.
Nhưng còn xã hội ngày nay đã tốt đẹp chưa ? đã tự do, dân chủ chưa ? thì không ai thấy được. Nhưng ai cũng thấy rằng:
1. Xã hội hiện nay có một bộ máy quản lý to lớn kềnh càng quá, nhất là ở xã phường và huyện tỉnh. Bộ máy lại có nhiều Quan quá. Có một thời chữ Quan mất đi rồi, thay vào đó là chữ “Cán bộ”, “Đồng chí”. Nhưng ngày nay chữ “Đồng chí” chỉ còn trên giấy, còn thường ngày dân vẫn nói “các Quan” và “Quan càng to, càng nhiều bổng lộc”. Ngôn ngữ ấy trở lại như ngày xưa, trong xã hội rất nhiều người cũng cố gắng “phấn đấu” để được làm Quan. Vợ kiêu hãnh vì có chồng là Quan, con hãnh diện vì có bố, mẹ là Quan. Điểm này, xã hội ngày nay giống trước và trắng trợn, tệ hại hơn trước.
2. Càng Quan to thì lễ lạt, biếu xén càng to và bổng lộc càng nhiều.
3. Nhiều Quan to có mức độ sống không kém gì các quan ở những nước giàu có (nhà cửa, xe cộ, quần áo, ăn uống).
4. Trong bộ máy, có nhiều người khiến nhân dân phải sợ, phải kiêng nể, có nhiều bộ máy to nhỏ đáng sợ. Dân phải sợ công an, sợ cán bộ Đảng, vì cán bộ Đảng giống công an quá, cũng hay dò la, xem xét, hay doạ nạt. Công an ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều nét của một hình ảnh khủng bố, là hình ảnh doạ trẻ con được “Ấy chết, chú Công an kia kìa!”.
5. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng khá đông đảo, nhưng không bênh vực được nhân dân chút nào. Nhân dân vẫn phải khiếu kiện nhiều, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người (tức là biểu tình), vừa gửi đơn, vừa muốn trực tiếp đưa đơn, có rất nhiều trường hợp oan trái và oan khuất từ đời cha, đời ông đến đời con, đời cháu.
Những điều đó, báo chí lẻ tẻ đều có nói đến, nhưng còn rất ít. Phải nghe nhân dân nói với nhau ở hè phố, góc chợ và khắp nơi mới thấy rõ được bức tranh xã hội thật.
Vậy một xã hội mà ta mơ ước, ta lý tưởng hoá, lại tồn tại trong hiện thực như vậy, thì có thể coi là ta đã xây dựng được một xã hội tốt đẹp hay chưa ?
Ta đã từng mơ ước, và từng lý tưởng hoá, ta đã từng chỉ ra là xã hội tương lai sẽ không có thất nghiệp, không có cờ bạc, không có gái đĩ, không trộm cắp vv… Nhưng xã hội ta ngày nay như thế nào? Vẫn có đầy đủ các tệ nạn của một xã hội cũ mà ta đã từng nguyền rủa và đã từng đập tan. Trước đây ta cho rằng chỉ có xã hội tư bản mới xấu xa như thế. Còn xã hội xã hội chủ nghĩa thì một trăm phần trăm tốt đẹp, một trăm phần trăm ngược lại với xã hội tư bản.
Thực ra, chủ nghĩa Mác rất nhân đạo, rất nhiều lòng tốt, nó chỉ ra cho loài người một tương lai sáng lạn: sẽ không có tư hữu, do đó không có bóc lột, thế là cuộc sống xã hội hoàn toàn công bằng và dân chủ.
Nhưng thực tiễn cuộc sống chỉ ra rằng nó không thể đơn giản như vậy. Hình ảnh ấy chỉ là một cái bánh vẽ khổng lồ. Thực tiễn cuộc sống khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Loài người cứ phải tìm kiếm và tìm kiếm, tạo ra cho mình những kinh nghiệm và những giá trị tốt đẹp. Xã hội tư bản có những cái xấu, nhưng trong xã hội đó, nhân dân cũng tạo ra những giá trị tốt đẹp cho mình, miễn là nhân dân được tự do. Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng có nhờ nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm được mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người, chỉ là một ảo tưởng hão huyền.
Thế mà Đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân.
Đảng cộng sản Việt Nam cứ gân cổ gào lên cái định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu như vậy, thật ra là một sự mù quáng, một sự điên cuồng.
Nhân dân cần được tự mình làm chủ cuộc đời của mình, nghĩa là phải được tự do sống, tự do làm ăn, rồi mọi việc của cuộc sống sẽ được giải quyết dần, không cần một lý thuyết, một chủ nghĩa nào cả.
Nói đúng hơn là nhân dân cần đến tất cả các học thuyết, các chủ nghĩa, rồi nhân dân sẽ chọn lọc, cân nhắc, so sánh chúng với nhau để tìm ra cái nào có lợi cho đường đi của mình.
Đảng nào sáng suốt và tài tình là đảng tạo ra được những tự do như vậy cho nhân dân. Chứ còn đảng nào mà cứ bắt nhân dân phải nghe theo và sống theo các nghị quyết của mình thì đảng ấy chỉ là duy ý chí một cách dốt nát và tàn bạo.
Đảng ấy quyết không thể tồn tại.
7.12.2000
Tiếp tục câu hỏi lớn: cuộc cách mạng Việt Nam đã đem lại được cái gì cho nhân dân Việt Nam ?
Cứ xem xã hội Việt Nam hiện nay, cuộc sống Việt Nam hiện nay, thì có thể thấy một nét lớn rất đau lòng là: tất cả những gì xấu xa, tàn bạo, mà cách mạng đã có lúc xoá bỏ và đập tan thì nay đang được khôi phục lại hoàn toàn, mà khôi phục lại còn mạnh hơn, cao hơn, nhân danh cách mạng.
Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính.
Đó là chuyên chính tư tưởng, sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những “lưu manh tư tưởng”. Chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói … Những điều luật quy vào các tội: có hại cho lợi ích cách mạng, không lợi cho sự nghiệp cách mạng, nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo vv… để đàn áp tàn khốc mọi tiếng nói.
Nền chuyên chính tư tưởng này đang làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hoặc ít nhất cũng không muốn suy nghĩ gì, nói năng gì. Thực ra, nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều. Nó làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng, nó làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch.
Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc, lệ thuộc vào nhà nước, lệ thuộc vào Đảng, lệ thuộc vào cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục một cái gì bí và hiểm.
Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài.
Nó tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ.
Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống cuả con người mà nó huỷ hoại cuộc sống rất nhiều người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng của cả dân tộc.
Nó đang làm hại cả một nòi giống.
9.12.2000
Vẫn có một câu hỏi lớn mà không biết có tìm được câu trả lời thoả đáng hay không ? Câu hỏi đó là:
Nhân dân Việt Nam, sau 70 năm đấu tranh gian khổ và 30 năm chiến tranh ác liệt với những hi sinh rất lớn lao và sâu sắc đã mang lại cho mình, cho đất nước một chế độ xã hội và một chính quyền thế nào ? một xã hội kiểu gì ?
Ta biết chắc là có những câu trả lời ngon lành như sau:
“Ta đang có một chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp và có một xã hội xã hội chủ nghĩa cũng rất tốt đẹp. Vì nhà nước của ta ngày nay tên là nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng cộng sản lãnh đạo. Bản chất của chế độ ta là công bằng dân chủ, nhân dân rất hạnh phúc.”
Đó là câu trả lời chính thống.
Ai nói khác đi là chống lại chủ nghĩa xã hội, chống lại Đảng cộng sản. Nhưng người dân thường và nhất là nhiều bậc lão thành, nhiều nhà trí thức và cả nhiều thanh niên nữa, đều thấy là không phải thế. Những người này thường lấy sự thực thường ngày ra đối chiếu, rồi thấy rằng chữ xã hội chủ nghĩa thật là vô duyên và vô nghĩa. Vì vậy đã có rất nhiều ý kiến cho rằng nên trở lại với tên nước mà Hồ Chí Minh đã đặt: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nnn3n4n31n343tq83a3q3m3237nvn

Làm sao để Đảng ta mãi mãi độc tôn?

Nguyễn Tâm Bảo

Thưa các đồng chí…

Ðảng quang vinh của chúng ta muốn tồn tại và phát triển, giữ vai trò là đảng tiên phong và duy nhất lãnh đạo đất nước, thì có mấy mục tiêu quan trọng sau đây phải được quan tâm đúng mức:

1. Phải làm cho dân chúng vừa yêu vừa sợ: Nếu không thể làm cho người dân yêu mến – điều mà tôi e là sự thật cay đắng cần chấp nhận – thì cũng phải tuyệt đối duy trì nỗi sợ hãi để họ không bao giờ có đủ ý chí mà nổi loạn.

2. Phải giữ cho cái gọi là “phong trào dân chủ đối lập” không thể trở thành phong trào đúng nghĩa, không thể bén rễ và lan rộng. Phải làm sao để nó chỉ là hoạt động manh mún, rời rạc, tự phát của các cá nhân đơn lẻ; làm cho có nhiều “lãnh tụ” mà ít hoặc không có quần chúng; có nhiều “nhân sĩ trí thức” mà ít hoặc không có một tổ chức nào có thực lực; có nhiều những hoạt động lãng mạn hời hợt có tính phô trương – mà người dân có biết đến cũng chỉ mỉm cười ý nhị – chứ ít hoặc không có những hoạt động thiết thực có tầm mức ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội; có thật nhiều những hoạt động “chống cộng cực đoan” có tính chất phá hoại từ bên trong, gây phản cảm đối với người dân lao động, thậm chí làm cho những gia đình cách mạng và đội ngũ cựu chiến binh phẫn nộ… Tóm lại, phải làm cho người dân nếu không quay lưng thì cũng thờ ơ với cái gọi là “đấu tranh dân chủ”.

3. Phải chủ động trong việc nâng cao dân trí để làm bàn đạp mà phát triển kinh tế, nhưng lại phải lèo lái để “dân trí cao” không đồng nghĩa với “ý thức dân chủ cao’. Phải làm sao để chất lượng giáo dục bậc đại học được cải thiện nhưng đa số sinh viên phải trở nên thực dụng hơn, có tinh thần “entrepreneurship” – khao khát tiền bạc và công danh, mạo hiểm và sáng tạo trong kinh doanh, cầu tiến trong sự nghiệp riêng, tôn thờ Bill Gates và chủ nghĩa tiêu thụ – nhưng đồng thời cũng tuyệt đối thờ ơ với những lý tưởng và hoài bão cải biến xã hội, xa lạ với những tư tưởng trừu tượng viễn vông, tìm kiếm những giải pháp cá nhân thay cho ý thức công dân, và đặc biệt là tránh xa âm mưu thay đổi chế độ.

4. Phải chủ động trong việc mở rộng xã hội dân sự, thuần phục và trung hòa giai cấp trung lưu đang lớn mạnh (gọi là ‘co-optation’)… Làm sao để trong mỗi tổ chức dân sự đều có chân rết của ta. Các tổ chức trung gian như mặt trận tổ quốc, công đoàn, hội phụ nữ, các hội cựu chiến binh, các câu lạc bộ hưu trí… phải phát huy vai trò tối đa trong việc trung hòa những nhân tố nguy hiểm, điều hòa những xung đột nếu có giữa nhà nước và xã hội, giảm thiểu sự bất mãn của dân chúng… Làm sao để xã hội dân sự vẫn được mở rộng nhưng theo hướng có kiểm soát của chúng ta, chứ không trở thành mối đe dọa. Quan trọng hơn cả là chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng nỗi sợ hãi – dù chỉ là nỗi sợ mơ hồ trong tiềm thức – nhưng đồng thời cũng không để cho nhân dân cảm thấy tuyệt vọng… Cho dù người dân có bất mãn về chuyện này chuyện kia thì vẫn làm cho họ nuôi hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Và phải làm điều này một cách hết sức tinh vi, kiên nhẫn, đôi lúc phải can đảm cắt bỏ những khối u trong đảng để làm nguội bớt nỗi tức giận của nhân dân.

Trong trường hợp này thì việc thả Nguyễn Việt Tiến và việc bắt giam hai nhà báo là sai lầm. Lẽ ra chúng ta phải không tiếc một số ít các đồng chí tham lam quá mức, biến họ thành dê tế thần để giành lại niềm tin của nhân dân, hoặc ít nhất cũng làm họ giảm bất mãn, trong nỗ lực chống tham nhũng của chúng ta.

Một người bất mãn cực độ là một người nguy hiểm. Một người tuyệt vọng đôi khi còn nguy hiểm hơn. Một người lạc quan, nhiều hy vọng, thì thường cũng là một người dễ bảo, yêu chuộng sự ổn định và do đó không có ý định phản kháng. Chúng ta phải biết dùng mồi để nhử, đánh vào thói tham lam ích kỷ lẫn thói háo danh của người đời, vừa phải làm sao để tinh thần thực dụng và chủ nghĩa mánh mung chụp giật trở thành bản tính của dân tộc – vốn đã rã rời về ý chí, tan vỡ về niềm tin, chán ngán các loại ý thức hệ; nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn những cái van để dân chúng có chỗ giải tỏa ẩn ức.

Tuyệt đối không để sự bất mãn trong xã hội tích tụ lại vượt quá ngưỡng kiểm soát của chúng ta. Kiên quyết tiêu diệt mọi mầm mống có khả năng dẫn đến các loại hoạt động đối kháng có tổ chức, có sự phối hợp rộng rãi; tuyệt đối ngăn chặn khả năng huy động được đông đảo quần chúng tham gia.

Chúng ta phải nghiên cứu tất cả những tư tưởng gia vĩ đại trong việc chiếm đoạt quyền lực và duy trì vị trí độc tôn, từ Tôn Tử, Ngô Khởi, Trương Tử Phòng, Lý Tư… và Mao Trạch Ðông ở phương Ðông, cho đến Machiavelli – tác giả cuốn cẩm nang ‘The Prince’ nổi tiếng ở phương Tây, thậm chí cả Napoleon, Hitler, Stalin… hoặc Hugo Chavez thời nay. Tất cả đều có những điều rất đáng để chúng ta học hỏi, từ nghệ thuật mị dân cho đến những thủ đoạn cứng – mềm linh hoạt trong việc đối phó với địch, và cả những sai lầm chiến thuật của các vị này.

Phải làm sao để chúng ta vẫn trấn áp được đối lập dân chủ, nhưng vẫn không làm sứt mẻ quan hệ ngoại giao đang ngày một tốt hơn với Hoa Kỳ và phương Tây – vốn là những kẻ đạo đức giả, duy lợi và thực dụng nhưng thích rao bán tấm áo “dân chủ tự do” cùng với những khẩu hiệu cao đẹp khác.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải khái quát những luận điểm của Machiavelli để có thể áp dụng cho một chế độ, một đảng phái có cơ cấu phức tạp, chứ không phải là một nhà độc tài quân phiệt giản đơn. Một nhà độc tài dù tàn độc đến đâu, ranh ma đến đâu, thì cũng chỉ là một kim tự tháp trên sa mạc, tĩnh lặng và không tiến hóa – nên trước sau cũng sẽ để lộ sơ hở chết người. Nhưng một đảng chuyên quyền thì luôn luôn biến động, thay đổi và lớn lên không ngừng; biết bù đắp khiếm khuyết, che dấu yếu điểm, phô trương sức mạnh một cách vô cùng linh động… và đặc biệt có đủ tài lực và nhân lực để lan tỏa chân rết đến mọi ngõ ngách của xã hội, kiểm soát cả dạ dày lẫn linh hồn của nhân dân.

Bác Hồ đã dạy: người cách mạng phải không ngừng học hỏi, học từ nhân dân và học từ kẻ địch; phải không ngừng tiến hóa về mặt tư duy lẫn thủ đoạn để sống sót mà vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào; phải luôn uyển chuyển và linh động để sẵn sàng thay máu đổi màu khi cần thiết, thậm chí sẵn sàng đào thải cả những đồng chí quá tham lam và ngu dốt có hại đến lợi ích chung của đảng. Ðối với địch thủ thì phải thiên biến vạn hóa, ranh ma tàn độc đủ cả… và đặc biệt phải biết dùng hình nộm kết hợp với thủ đoạn đấu bò tót kiểu Tây Ban Nha để thu hút ám khí và sừng bò của đối thủ.

Trong lúc đối thủ tiêu hao lực lượng vì đánh vào những hình nộm rơm, hoặc phung phí thời gian và sức lực vào những mục tiêu viễn vông, thì chúng ta lạnh lùng quan sát, phân tích thấu đáo địch tình, ra đòn bất ngờ và hợp lý để địch chết không kịp ngáp… Ðặc biệt chúng ta ngầm khuyến khích những hành động tự sát theo kiểu “không thành công cũng thành nhân” – tất nhiên là phế nhân. Chúng ta cũng phải biết lắng nghe những phê phán của địch thủ mà thay đổi cho thích hợp. Kẻ đối địch luôn có những bài học quí giá mà chỉ có những người bản lĩnh và khôn ngoan mới nhìn ra. Nếu kẻ địch lãng mạn viễn vông với những khẩu hiệu trừu tượng như ‘dân chủ’, ‘nhân quyền’, ‘tự do’… thì chúng ta phải thực tế với những tiêu chí cụ thể như ‘ổn định xã hội’, ‘tăng trưởng kinh tế’, ‘xóa đói giảm nghèo’…

Nếu kẻ địch hô hào những điều khó hiểu du nhập từ phương Tây như ‘đa nguyên’, ‘đa đảng’, ‘pháp trị’, ‘khai phóng’… thì chúng ta phải tích cực cổ vũ mô hình Nhân Trị của đấng Minh Quân – nhưng ở đây Minh Quân phải được hiểu là đảng cộng sản – cũng như đề cao những ‘giá trị Á châu’ một cách khéo léo.

* Phát huy dân chủ cơ sở – tập trung. Chúng ta cũng phải phát huy ‘dân chủ cơ sở’, ‘dân chủ tập trung’, ‘dân chủ trong đảng’… để làm sao cho dân thấy đảng không phải là cái gì đó cao xa vời vợi, mà đảng cũng là dân, ở ngay trong dân, từ dân mà ra, đã và đang đồng hành cùng với dân.

Phải cho dân thấy là nếu đảng có xe hơi thì dân cũng có xe máy – chứ không phải đi bộ; nếu đảng có đôla thì dân cũng có tiền in hình Bác đủ tiêu xài – chứ không quá túng thiếu; nếu đảng có cao lương mỹ vị thì dân cũng có gạo ăn – không chết đói mà còn dư thừa để đem xuất khẩu.

Ðặc biệt là phải tích cực tuyên truyền và giải thích để người dân hiểu được ý nghĩa của ‘dân chủ’ theo cách có lợi cho chúng ta: ‘dân chủ’ nghĩa là đảng luôn lắng nghe dân, phản ánh ý nguyện của dân (phần nào thôi) qua những chính sách vĩ mô và vi mô, thỏa mãn niềm tự ái của dân vì được dạy dỗ đảng, cũng như kích thích lòng tự hào dân tộc của dân để hướng nó vào những kẻ thù mơ hồ dấu mặt ở bên ngoài.

Ðối thủ của chúng ta thường lãng mạn và nhiều nhiệt tình nhưng ít chịu học hỏi, hoặc nếu có học thì chỉ qua quýt đủ để thuộc lòng những khẩu hiệu trừu tượng như ‘nhân quyền’, ‘dân chủ’… rồi nhai đi nhai lại làm dân chúng phát nhàm. Nói chung, đối thủ của chúng ta thường chỉ biết đến một số cuốn cẩm nang về dân chủ có ngôn từ rất kêu, rất đẹp, nhưng nghèo nàn về phương pháp thực tế, lẫn lộn giữa cứu cánh và phương tiện… Ngược lại, chúng ta cần phải tích cực nghiên cứu sâu sắc những trước tác của các học giả phương Tây về khoa học chính trị và kinh tế học. Chúng ta phải nhận thức được đã có rất nhiều những nghiên cứu khoa học về mối quan hệ biện chứng giữa ‘thể chế chính trị’ và ‘phát triển kinh tế’. Hai phạm trù ‘dân chủ’ và ‘phát triển’ có quan hệ hết sức phức tạp, phi tuyến, chứ không phải là quan hệ nhân – quả. Nghiên cứu kỹ về vấn đề này sẽ rất có lợi cho chúng ta trong việc chủ động phát triển kinh tế mà không cần phải ‘dân chủ hóa’.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là: phát triển kinh tế làm phát sinh một số yếu tố hiểm nguy cho chế độ. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, tùy thuộc vào khả năng ‘tháo ngòi nổ’ của chúng ta, cũng như khả năng khai thác những yếu tố hiểm nguy này của đối lập dân chủ. Chẳng hạn, học giả Daron Acemoglu của đại học MIT danh tiếng đã có nhiều phân tích về ‘nguồn gốc kinh tế của các chế độ độc tài và dân chủ’. Trong đó ông đã chỉ ra rằng phát triển kinh tế kèm theo việc phân bố của cải vật chất một cách tương đối công bằng, đồng thời với việc nới lỏng một cách chừng mực những tự do dân sự, thì bất mãn của xã hội sẽ không quá cao, do đó hoàn toàn có thể duy trì chế độ độc tài mà vẫn thúc đẩy kinh tế phát triển. Ðó là trường hợp của Singapore, điển hình của một nhà nước độc tài sáng suốt. Một ví dụ nữa là những nghiên cứu của Bruce Bueno de Mesquita, đã chỉ ra cho chúng ta những kinh nghiệm quí báu trong việc đàn áp cái gọi là ‘coordination goods’, tức là những yếu tố vốn không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu được vận dụng bởi đối lập dân chủ thì lại trở thành những vũ khí đáng sợ. Ðó là nghệ thuật ‘đàn áp có chọn lọc’ mà tôi đã có dịp phân tích.

* Giới trẻ và sinh viên học sinh: Một kết quả bất ngờ mà theo tôi cũng là một kinh nghiệm quí trên mặt trận tuyên truyền nhồi sọ: việc chúng ta bắt ép sinh viên phải học tập chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đem lại những kết quả ngoài mong ước. Thành công của chúng ta không phải đã đạt được mục đích ban đầu là làm cho thế hệ trẻ tôn thờ thứ chủ nghĩa mà ngay cả chúng ta cũng không tin. Ngược lại, thành công của chúng ta là đã làm cho thế hệ trẻ chán ngán đến tận cổ khi phải học mãi một thứ ý thức hệ lỗi thời, bị nhồi nhét đến phản cảm những tư tưởng cũ kỹ. Nhờ vậy chúng ta đã đào tạo ra một thế hệ trẻ thờ ơ vô cảm với tất cả các loại tư tưởng và ý thức hệ, chai sạn với lý tưởng và hoài bão mà thanh niên thường có, trở nên thực dụng và ích kỷ hơn bao giờ hết.

Thế hệ trẻ hôm nay, ngoài cái đức tính thực dụng và tinh thần chụp giật, cũng như niềm khao khát tiền bạc, công danh, ám ảnh bởi chủ nghĩa hưởng thụ, thì chỉ còn le lói ‘tinh thần dân tộc’ vẫn còn sót lại trong máu huyết của mỗi người Việt.

Ðây là con dao hai lưỡi, là con giao long đang nằm yên, mà chúng ta cần phải biết lèo lái một cách khôn ngoan để không xảy ra một tiểu Thiên An Môn ở Ba Ðình.

Dưới chế độ chuyên chế nào cũng vậy, sinh viên và trí thức trẻ luôn luôn là những kẻ nguy hiểm nhất, là ngòi nổ của quả bom, là kíp mìn hẹn giờ, là hạt nhân của các phong trào đấu tranh. Các cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ độc tài bao giờ cũng do sinh viên và trí thức dẫn đầu; công nhân, nông dân, và các tầng lớp lao động khác chỉ là sức mạnh cơ bắp..

Chỉ có trí thức và sinh viên mới đủ lý luận để huy động được đông đảo quần chúng, mới có lý tưởng để dấn thân, và mới có khả năng tổ chức và phối hợp.

Triệt tiêu được những phong trào sinh viên, cô lập được những trí thức phản kháng, chính là đánh vào đầu não chỉ huy của địch. Những thứ còn lại như ‘dân oan biểu tình’, ‘công nhân đình công’… chỉ là cơ bắp của một cơ thể đã bị liệt não.

Như trên đã nói, chúng ta đã thành công trong việc làm cho sinh viên trở nên lãnh cảm về các loại ý thức hệ, thờ ơ với những tư tưởng tự do khai phóng từ phương Tây. Chúng ta chỉ còn phải đối phó với tinh thần dân tộc của sinh viên đang có nguy cơ thức dậy, mục đích là để nó ngủ yên, nếu không phải lèo lái nó theo hướng có lợi cho chúng ta.

* Trí thức: Ðối với tầng lớp trí thức, những biện pháp ‘vừa trấn áp vừa vuốt ve’ từ xưa đến nay đã đem lại kết quả khả quan.Chúng ta đã duy trì được một tầng lớp trí thức hèn nhát, háo danh, và nếu không quá ngu dốt thiển cận thì cũng chỉ được trang bị bởi những kiến thức chắp vá, hổ lốn, lỗi thời.

Nói chung, đa số trí thức của chúng ta đều hèn, đều biết phục tùng theo đúng tinh thần ‘phò chính thống’ của sĩ phu xưa nay. Phần lớn những kẻ được coi là trí thức cũng mang nặng cái mặc cảm của việc học không đến nơi đến chốn, ít có khả năng sáng tạo, và so với trí thức phương Tây về cả tri thức lẫn dũng khí đều cách xa một trời một vực.

Trí thức của chúng ta vẫn mãi mãi giữ thân phận học trò, kiểu sĩ hoạn mơ ước được phò minh chủ, hanh thông trên đường hoạn lộ, chứ không bao giờ vươn lên thành những nhà tư tưởng lỗi lạc.

Tầm mức ảnh hưởng của trí thức đến xã hội không đáng kể, không dành được sự kính trọng từ các tầng lớp nhân dân, thậm chí còn bị người đời khinh bỉ bởi sự vô liêm sỉ và thói quen ném rác vào mặt nhau.

Chỉ có một số ít trí thức vượt qua được cái vỏ ốc hèn nhát, nhưng thường là quá đà trở nên kiêu ngạo tự mãn, coi mình như núi cao sông sâu, là lương tâm thời đại. Những người này quả thật có dũng khí, nhưng cũng không đáng sợ lắm bởi đa phần đều có tâm mà không có tài, có đởm lược mà ít kiến thức.

Ða phần trong số này cũng chỉ đến khi về hưu mới thu gom được dũng khí mà ra mặt đối đầu với chúng ta, do đó sức cũng đã tàn, lực cũng đã kiệt. Một số ít trẻ trung hơn, nhiệt huyết còn phương cương, thì lại chưa có kinh nghiệm trường đời, chưa được trang bị lý luận chu đáo, chưa có kiến thức về dân chủ sâu rộng. Với những kẻ này chúng ta đàn áp không nương tay, bỏ tù từ 3 đến 7 năm. Ðó là phương cách giết gà từ trong trứng.

Thử tượng xem một tài năng trẻ phải thui chột những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời trong lao tù, cách ly với môi trường học vấn, gặm nhấm nỗi cô đơn thay cho việc học hành nghiên cứu, thì sao có thể phát triển hết khả năng? Khi ra tù thì cũng đã quá tuổi trung niên, mệt mỏi, chán chường. Nếu vẫn còn dũng khí thì cũng đã tụt hậu về kiến thức, bị trì néo bởi gánh nặng gia đình, còn làm gì được nữa?

Với những phân tích như trên tôi cho rằng chế độ của chúng ta vẫn còn bền vững ít nhất thêm hai mươi năm nữa. Nhưng thời thế đổi thay. Chúng ta không thể kiêu ngạo mà tin rằng sẽ trường tồn vĩnh viễn. Chúng ta luôn học hỏi và thay đổi để sống còn và vươn lên, nhưng cũng nên biết rằng đối thủ của chúng ta có lẽ cũng không quá ngu ngốc.

Nếu kẻ địch cũng nhìn ra được mạnh – yếu của chúng ta, cũng biết tự đổi thay để thích nghi, cũng biết học cách đấu tranh có phương pháp, có tổ chức, có chiến lược… thì chuyện gì sẽ xảy ra sau hai mươi năm nữa thật khó mà biết được.

Ðó là một cuộc đua đường trường mà kẻ nào dai sức hơn, bền chí hơn, khôn ngoan hơn, thì sẽ đến đích trước.

Chúc các đồng chí chân cứng đá mềm và luôn nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!”
nguon: http://danluan.org/node/5776

————————————-
Comment: Thưa đồng chí, đồng chí đã nói trúng phóc tất cả. Nhưng xin đồng chí be bé cái mồm thôi, kẻo các “thế lực thù địch” biết hết các chiêu bài mị dân của chúng ta, chúng lại rêu rao ra khắp thiên hạ thì lộ hết bí quyết, các đồng chí có còn muốn kiếm ăn với đảng ta nữa không hử….?

23-07-2010

Nhân việc tình cờ kiếm được link web thư viện của TS Nguyễn Thanh Giang. Trong thư viện đó có rất nhiều bài hay. Tớ bắt mắt ngay một bài tớ thấy hay hay, lôi ra đây mọi người cùng xem, ai khen chê tuỳ ý. Có thể xem thêm các bài khác trong web: http://www.nguyenthanhgiang.com

-_____ ++

ĐỌC HỒI KÝ CỦA NHẠC SỸ TÔ HẢI ( * )

Vào cái đêm bước vào tuổi 80 được 8 tháng 26 ngày, nhạc sỹ Tô Hải đã viết những dòng sau đây cho đoạn kết cuốn hồi ký của mình: “ Hãy cho tôi được chết như các anh Trần Độ, Lê Liêm… , khi đăng “ cáo phó ” không có cái mục “ Đảng viên đảng CSVN ”, dù so với các anh, tôi chỉ là con tôm, con tép ! Các anh đã “ được khai trừ ”. Các anh đã dám “ công khai chống Đảng cộng sản ”, dám công khai nhận “ bản án đầy vinh quang ”! Không hề sợ hãi, cúi đầu. Không hèn lâu như tôi “. ( trang 469 ).

Cầu nguyện như vậy, nhưng ông cũng đã vùng lên thét lớn: “ Phải sống! Tôi phải sống. Vì có sống tôi mới có thể làm nhân chứng cho cái thời đại… đểu cáng nhất trong lịch sử nước tôi, chẳng tư bản, chẳng cộng sản, chẳng ra ngô ra khoai, chẳng phải, chẳng trái, chẳng luân, chẳng lý, chẳng luật, chẳng pháp, thậm chí chẳng cha mẹ, anh em, họ hàng, làng xóm gì hết! ” ( trang 375 )

Người viết những dòng đó chính là người đã từng “ vừa làm lính trong “ tổ chức ” ( Tô Hải vào Đảng Cộng sản từ năm 1949 ), vừa sáng tác, vừa biểu diễn với cả tâm hồn và trái tim, rất tự nguyện, rất hiến dâng, không mảy may mặc cảm, suy tính, tôi đã sẵn sàng ra chiến trường chết như một chiến sĩ với câu hát “ Đấu tranh này là trận cuối cùng…” trên môi ” ( trang 439 ), là người đã có công lớn trong sự nghiệp “ dùng âm nhạc phục vụ động viên lính cụ Hồ ”. ( trang 439 )

Bởi thế cho nên ông đã sám hối một cách vật vã : “ Gần hết cuộc đời, tôi vẫn chỉ là “ con đại bàng… cánh cụt ”, chạy lè tè trên mặt đất mà vẫn vấp ngã đến gãy mỏ, trụi lông ….Nhưng, vừa là tội đồ vừa là tòng phạm” làm sao những con đại bàng cánh cụt kia có thể bay cao, bay xa? Thôi thì xin làm con sói của Alfred de Vigny, con bói cá của Musset tru lên tiếng rú cuối cùng, phanh ngực, xé lòng, hiến cho lịch sử một mẩu trái tim, một mẩu trí óc, một chút hơi tàn của thân xác ”. ( trang 54 ).

Tâm trạng ông giống như tâm trạng của Nguyễn Đình Thi sám hối lúc sắp từ giã cuộc sống :

“ Tất cả người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh, nhuốm đỏ
Tay tôi vương nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi! Xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần tàn ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn…”

Tô Hải đã từng van xin : “ Hi vọng rằng sau khi đọc hồi ký này người đọc sẽ thương cảm cho tôi, cho các bạn tôi, những người ngây thơ, tội nghiệp, cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức ” ( trang 53 ). Ông nghĩ mình vừa là tội đồ, vừa là tòng phạm bởi vì: “ Chúng ta mới dại dột làm sao ! Chúng ta đã đánh đổi lương tâm trong sáng ấy lấy một thứ lương tâm đen tối không phải của mình. Lương tâm thời buổi đánh nhau của tao, của chúng mày, ơi các bạn của tôi, đều là lương tâm của…người khác! Lương tâm của ông Diệm, ông Thiệu chống cộng sản, lương tâm của ông Mác, ông Lê, ông Mao, ông Hồ không khoan nhượng với kẻ thù giai cấp! ” ( trang 92 ). Cho nên : « Ôi! Cái đầu biết nghĩ, trái tim biết xúc động làm khổ những con người có học như tao, như chúng mày đấy, các bạn của tao ơi! Thằng giàu có bên xứ người cũng như thằng trắng tay trong lòng tổ quốc đều có nỗi đau tự đánh mất hết tuổi trẻ của mình. Chúng mày cảm thấy lạc lõng giữa trời Âu, Mỹ. Còn tao, đau hơn, thấy mình lạc lõng trên chính đất nước mình, ngay giữa lòng con, cháu mình. Một cuộc tha hương trên đất mẹ » ( trang 91 )

Sao lại cảm thấy “ lạc lõng trên chính đất nước mình ” ? .Vì, trong khi từ chốn thị thành ồn ào đến nơi thâm sơn cùng cốc, trẻ phải học, già phải tụng niệm rằng cuộc chiến Nam-Bắc vừa qua là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Tô Hải cho rằng “ Với tôi cũng như với nhiều người được đọc, được nghe và có được tí chút độc lập suy nghĩ thì cuộc chiến chống Mỹ chẳng có gì là bất ngờ. Cuộc “mà cả” về Việt Nam đâu có ở Việt Nam. Nó diễn ra từ khi Nixon sang Tàu, Brezhnev sang Mỹ, ở các cuộc bắt tay, khi nóng, khi lạnh giữa các ông trùm chính trị ở các cuộc hội đàm công khai, bí mật và kết cuộc là sự “nắn gân”, đọ sức, mặc cả nhau bằng cuộc chiến leo thang ở Việt Nam. Đâu phải nó nổ ra từ vụ hải quân tí hon Bắc Kỳ dám “đánh cú liều” vào tầu Maddox ở vịnh Bắc Bộ!

Quần áo, mũ, giày, thắt lưng, bao đạn, lương khô… tất cả là…Tàu! Kalachnikoff, T54, Sam I, Sam II, Mig 17 hay Mig 21…tất cả đều đến từ Matxcơva…Còn dân Việt Nam chỉ có…người, mà con người Việt Nam thì chỉ cần đứng trước hai chữ “xâm lược” là sẵn sàng, kẻ thù nào cũng… “oánh” ! ” .( trang 266 ).

Trong tâm khảm ông, cuộc chiến tương tàn ấy thật là hãi hùng : “ Tất cả những người từng nhìn tận mắt cảnh “ tay phải chém tay trái ”, từng khóc lặng trước cái chết của cả một tiểu đoàn, một đoàn xe, một đơn vị thanh niên xung phong, từng ngửi mùi xác chết ở các ngọn “ đồi thịt băm ” trong chiến dịch Lam Sơn 719, liệu còn lòng dạ nào viết lên những khẩu hiệu như “Tiêu diệt đến tên ngụy cuối cùng”?

Trong cuộc chiến đã được Việt Nam hóa, bên ăn cơm quốc gia cũng như bên uống nước lã cộng sản đã đẩy ra mặt trận cả trăm ngàn trai trẻ Việt để họ lăn xả vào chém giết nhau! Những “đồi thịt băm” mới này còn kinh hoàng hơn nhiều so với “đồi thịt băm” Khe Sanh, vì ở đó người Mỹ có đủ phương tiện dọn sạch những gì còn lại của một xác lính Mỹ. Trái lại, trong chiến dịch Lam Sơn 719, hàng trăm thây người chỉ là những đống thịt thối rữa phơi mưa, phơi nắng làm mồi cho hàng đàn quạ đen và chó hoang! Chẳng bên nào kịp lo chôn cất hoặc thắp bó hương cầu cho linh hồn họ được siêu thoát! Tôi có thêm dịp để tự đặt cho mình những câu hỏi: Thằng Mỹ ăn cái giải gì trong cuộc chiến hao tài tốn của này?” Hay: “Chỉ vì các anh là cộng sản nên tôi phải diệt?” Hoặc: “Vì sao nhiều người sợ, nhiều người căm cộng sản đến thế?” vv…” ( trang 288 ).

Không phải chỉ riêng Tô Hải, hồi ức chiến trường xưa càng rùng rợn bao nhiêu thì mặc cảm tội lỗi của các văn nghệ sỹ càng ghê gớm bấy nhiêu. Hãy nghe Chế Lan Viên :

“ Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30 !
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó ?
Tôi, tôi người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong…”

Tô Hải không chỉ nguyền rủa cuộc chiến tranh Nam-Bắc tương tàn mà còn xét lại cả cuộc kháng chiến chống Pháp: “ Sau này, loại thanh niên “ yêu nước hồn nhiên ” bọn tôi đâu có dám lên tiếng khi nghe người ta tự tâng bốc kể công với lịch sử rằng: “ Đảng đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy đánh Pháp, đuổi Nhật dành tự do, độc lập cho đất nước! ”

Và các nhà viết sử nhà nước cộng sản cũng lờ tịt luôn cái chuyện Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ quân chủ lập hiến Trần Trọng Kim — Không khác vụ lật đổ chính phủ Kerensky ở nước Nga trong lúc nội tình nước này đang bối rối. Thực tế lúc ấy là Việt Minh đã xuất hiện như tổ chức duy nhất, chỗ dựa duy nhất, lá cờ duy nhất, để lũ thanh niên “ yêu nước ngơ ngác ” chúng tôi đi theo. Chúng tôi có biết gì đến cái đảng cộng sản cộng xiếc, nhất là ông Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau đó còn công khai tuyên bố giải tán Đảng của ông ta trước thế giới và đồng bào cả nước! Trong chính phủ có đầy đủ các vị Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… và cả “cố vấn” Bảo Đại nữa.

“ Quả lừa lịch sử ” bắt đầu chính là từ đây!
Vận nước khốn nạn nhất cũng bắt đầu từ đây!

Tại sao Việt Nam không độc lập như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Thái Lan, Phi Luật Tân…mà phải qua 30 năm chém giết kẻ thù thì ít…mà chém giết nhau thì nhiều? ” (tr..125 ).

“ Không có ông Hồ, không có cái đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em, họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng thuộc địa như nước tôi đến cả thế kỷ về mọi mặt.” ( trang 388 )

“ Tại sao các dân tộc khác, xung quanh ta thôi, họ đều là thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ lại được độc lập, tự do, mở mang đất nước, kinh tế phát triển? Còn Việt Nam? Cái gì đã để cho họ ghét tới mức thay nhau diệt sạch dân mình thế nhỉ? Hỏi tức là trả lời! Tôi đã một lần nữa khẳng định được lý do của cuộc chiến tranh này: Đây là cuộc chiến của loài người chống nạn cộng sản vô luân, vô đạo lý! Đây là sự hy sinh cực kỳ vô duyên cho cái chủ nghĩa không tưởng, cho sự tiếm quyền của một lớp người âm mưu làm vua của cái nước Việt Nam khốn khổ này bằng chiêu bài Độc Lập, Tự Do mà ở các nước, người ta đã có từ nửa thế kỷ nay rồi vì may mắn thay, họ không có Đảng Cộng Sản cầm quyền! ” ( tr. 272 )..

Ông như vừa trải qua một “ giấc Nam Kha khéo bất bình ” để rồi tỉnh dậy bàng hoàng thấy “ Trước mắt ngày nay chẳng có cái gì hết, không lý thuyết cách mạng vô sản, không đảng cộng sản, không “ bác Hồ ” anh minh lãnh đạo mà chỉ là một cuộc vơ vét cuối cùng của đoàn thủy thủ chuẩn bị nhảy khỏi con tầu sắp đắm với hành khách là nhân dân Viêt Nam bất hạnh!

Đoàn thuỷ thủ ấy gồm những tên lưu manh vô học, những tên giám-đốc-không-vốn, những tay cầm đầu hải quan mà buôn lậu, những tay phụ trách tư pháp, toà án, thanh tra chuyên nghề kết án người vô tội, những tên quản lý nhà đất mà cướp nhà, cướp đất để chia nhau vô tội vạ, những kẻ buôn lậu ma tuý nằm ngay trong những trung tâm đầu não chống ma túy. Và ở bậc cao nhất của cung đình là những tên đại lưu manh trơ tráo, chẳng Mác chẳng Xít gì, đang trấn áp, đe dọa người dân bằng nhà tù, súng đạn, để ăn cướp bất cứ thứ gì có thể cướp, vơ vét của cải đất nước làm của riêng, lấy tiền bỏ vào các tài khoản khổng lồ ở nước ngoài do con, cháu, bồ bịch, tay chân chúng làm chủ! ” ( trang 79 ).

Ông không tin vào thực tài của những người lãnh đạo khi nhân ra: “Hàng lô hàng lốc những ông giám đốc, tỉnh uỷ, trung ương uỷ viên, đại biểu quốc hội đều có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… mà chẳng hề có tên trong hồ sơ sinh viên, nghiên cứu sinh ở bất cứ trường đại học nào! Hầu hết đều là tiến sĩ, thạc sĩ…Mác-Lênin, tốt nghiệp ở cái trường Đảng do ông giáo sư tiến sĩ tên Nguyễn Đức Bình, uỷ viên “ bộ chính troẹ ” làm… giám đốc! ” ( trang 395 ).

Với những người lãnh đạo như thế thì lời cảnh báo sau đây của Tô Hải không phải hoàn toàn không đáng lưu tâm: “ Cái đểu cáng nhất của bọn cầm quyền hiện nay là chúng dám làm bất kỳ điều gì có thể làm miễn ních đầy túi tham. Chúng sẵn sàng bán nước cho bất kể kẻ nào muốn mua, dù là Tầu, Mỹ, hay Nga. Một ngày nào đó chúng sẽ tuyên bố giải tán Đảng chưa biết chừng. Đó là lúc chúng đã “ hạ cánh an toàn ” với đống của cải chiếm được. Cũng chưa biết chừng có những tên còn tự đứng ra, hoặc cho con cháu đứng ra lập Đảng này, Đảng nọ, rồi lớn tiếng chửi cái Đảng hiện tại hơn ai hết… để lại chiếm những ghế ngon lành trong một chính quyền mới của những tên tư bản đích thực mà chính chúng sẽ là đại diện!? ” ( tr 404).

Lời cảnh báo của Tô Hải càng làm ta sửng sốt, lo ngại khi thấy người ta ầm ầm đưa Trung Quốc vào Tây Nguyên, thiết lập sa lô thênh thang nhất, hiện đại nhất dẫn thẳng từ Trung Quốc đến Hà Nội, lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Càng kỳ lạ hơn là người ta không chỉ đàn áp các đám biểu tình ở trong nước mà cả đồng bào Việt Nam ở các nước khác biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam !.

Đối với cụ Hồ, nhiều tư liệu có thể tin là xác thực đã chỉ rõ rằng Cụ từng cưới một bà y tá người Trung Quốc tên là Tăng Tuyết Minh làm vợ ( đám cưới này có cả vợ ông Chu Ân Lai dự), Cụ cũng từng có một con trai với bà Nông thị Xuân ( người con trai này tên là Nguyễn Tất Trung, hiện đang ở Hà Nội ). Về chuyện này, nhạc sỹ Tô Hải đã có cái nhìn thể tất: “ Ông ta cũng là con người, cũng có quyền lấy vợ đẻ con, thậm chí ba bốn vợ như ông Lê Duẩn, cũng có quyền bồ bịch như ông Mitterand, ông Clinton chứ ! Cái tội của ông là do bọn gọi là cộng sản An Nam phong kiến cố tình dựng ông ta lên thành “ thánh sống ” (và “ thánh chết ”) để lừa bịp cái dân tộc đa số là nông dân thất học, đầu óc còn mê muội về thánh về thần. Ông ta chỉ là một nhà cách mạng chính hiệu cuồng tín với chủ nghĩa Mác-Lê mà thôi ” ( trang 388 ).

Người viết bài này thì cho rằng, cả những người tô vẽ cụ Hồ thành ông thánh, là vị cứu tinh; cả những ai thóa mạ Cụ là tên dâm tặc, là tội đồ dân tộc đều không đúng. Thực tế, Cụ cũng chỉ là một con người, một con người tài trí, tài trí đến mức có thể làm được những việc rất phi thường theo ý Cụ. ( Đánh giá những việc làm ấy là công to hay tội lớn ? Lịch sử sẽ còn bàn thảo công phu và sẽ được phán xét công minh ).

Đã là người thì có hỷ, nộ, ái, ố, dục, có xấu tốt, có đúng sai. Người ta thường cho rằng cái sai lớn nhất của Cụ Hồ là đã đưa chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam.

Nếu chỉ lợi dụng chủ nghĩa Marx- Lenin để huy động được nông dân và lực lượng vô sản vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì chẳng nói làm gì. Đàng này, đúng như nhà văn Nguyễn Khải đã nói trong hồi ký “ Đi tìm cái tôi đã mất ” : “ Quả thật dân tộc Việt Nam đã thắng lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng nhưng lại thua đậm trong công cuộc xây dựng một xã hội tự do, công bằng và dân chủ. Thoát ách nô lệ của thực dân lại tự nguyện tròng vào cổ cái ách của một học thuyết đã mất hết sức sống. Dân mình sao lại phải chịu một số phận nghiệt ngã đến thế ! ”.

Như tự kiểm cuối đời, như lời di huấn viết lúc đã ngọai bát tuần, học giả Nguyễn Khắc Viện cũng thổ lộ: “ Đời tôi là đời một thằng ngây thơ. Trong hai chữ “ thơ ” và chữ “ ngây ”, tôi xin giữ lại cho mình chữ “ thơ ” vì đã đi theo kháng chiến, còn cái chữ “ ngây ” để chỉ cái sự đi theo chủ nghĩa xã hội thì xin… vứt nó đi! ”.

Tô Hải thì quyết liệt hơn. Ông rền rĩ thống thiết:

“ Tinh hoa đất nước giờ đâu tá ?
Ai cũng hèn như tôi sao ?…

Ai sẽ đưa con thuyền Việt Nam khỏi con đường vô định này, nếu những người hèn vẫn không dám nhận là mình hèn, không kiên quyết giã từ cái ngu dại, không lên án những gì mà mình lầm tưởng là “vinh quang rực sáng” lại chính là “tội lỗi ngút trời”, không biết khuyên nhủ con cái chớ có dẫm vào vết chân đầy máu và nước mắt mà mình đã đi qua…

Phải kiên quyết giã từ cái quá khứ đầy vinh quang vô ích của mình. Chỉ có sự giác ngộ chính trị cuối cùng này mới giải toả được mọi nỗi đau.

Sự “trở cờ”, “phản bội” để “đi tìm một sự trung thành mới” như Jean Paul Sartre nói không ai dám làm ư? Vì còn… sĩ diện! Vì còn bị quá khứ níu kéo?

Bỏ một thứ tà đạo, một niềm tin mù quáng, vứt vào sọt rác cái chiêu bài hoen rỉ, mốc meo, chẳng khác gì ly dị một con vợ độc ác, chẳng yêu gì mình khó lắm sao? Sao rất ít “thức giả” dám tuyên bố công khai: “Tôi từ bỏ chủ nghĩa cộng sản? ” ( trang 411 )

Và :“ …tôi đã nhận ra cái nhục của một thằng suốt đời ăn theo, nói leo, nói dối, đã nhìn thấy bộ mặt thật của cái chủ nghĩa bất lương mà tôi đi theo một cách vô tình và bất đắc dĩ, nhưng không dám rời bỏ nó ”. ( trang 301 ).

Nỗi đau khổ đến quần quại của những người có lương tri như ông còn bị nhân lên là do: cứ tưởng được người ta dắt dẫn mình rồi mình cũng như tình nguyện cùng họ dụ dỗ bao nhiêu đồng bào đổ cả núi xương, sông máu, cả biển đầy nước mắt mồ hôi để xây dựng nên một mô hình xã hội “ triệu lần hơn … ” thế nào kia; hóa ra, quanh quéo sao lại trở về với kinh tế thị trường. Cho nên ông không thể lòng không nhủ lòng: “ Phải nói lên cho mọi người biết rằng cái giá mà cả dân tộc phải trả bằng hàng chục triệu mạng sống để đổi lấy cái… “thị trường tự do” là cái sẵn có ở các nước cựu thuộc địa nghèo nàn lạc hậu như hoặc hơn Việt Nam trước đây, chẳng cần đến đảng cộng sản, chẳng cần đến các lãnh tụ vô cùng sáng suốt và duy nhất đúng đắn, chẳng cần đến chiến tranh, chẳng cần đến cái gọi là “chủ nghĩa anh hùng cách mạng ”.” ( trang 282 ).

Trớ trêu và cay đắng sao: “ những người cộng sản bỗng bừng tỉnh, thấy mình trót bỏ phí cuộc đời để theo một lý tưởng ba lăng nhăng. Vậy thì tội gì mà không tương kế tựu kế, cứ phất cái ngọn cờ rách cộng sản lên mà lập thành một đảng mới, một đảng mafia, làm giầu cho mình và cho con cháu! Cuộc vơ vét bằng hết của cải, tài nguyên đất nước vào tài khoản của mấy thằng cộng sản to đầu nhất bắt nguồn từ những ngày chiếm được “viên ngọc Sài Gòn”. Cái trò đánh lận con đen, thay chủ nghĩa cộng sản đạo đức giả bằng chủ nghĩa tư bản đỏ đích thực bắt đầu từ đây ” ( trang 360 ).

Ngộ nghĩnh mà oái oăm sao, mới hôm qua người ta coi giầu có là kẻ thù và tôn cái nghèo lên hàng lãnh tụ, người ta coi “ mo cơm, quả cà với tấm lòng cộng sản ” là lý tưởng … thì hôm nay, người ta hô toáng lên: “ Đảng viên phải biết làm giầu ”. Báo Nhân Dân ra ngày 15 tháng 6 năm 1994 còn nêu quy định giầu có là một trong 5 tiêu chuẩn để được bầu vào cấp ủy Đảng.

Cho nên Tô Hải ngao ngán vì quá đỗi thất vọng: “ Không cách nào cứu vãn được tâm hồn, đạo đức của một dân tộc khi cả dân tộc đó chạy theo một cuộc thi kỳ quái được công khai khuyến khích: Làm giàu! Đáng sợ hơn là người ta thi nhau làm giàu trên cơ sở…hai bàn tay trắng và cái đầu…rỗng tuếch, cái mồm sẵn sàng nuốt tất cả sắt, thép, nhà, cửa, gỗ, quặng, xi măng…

Tiền, vàng, đất đai là của “trời ơi”, “của chùa ”, giờ đây nằm gọn trong tay kẻ có chức, có quyền! Cái chủ nghĩa “tư bản rừng rú”, cái thị trường tự do định hướng xã hội chủ nghĩa có một không hai trong lịch sử loài người đã đẻ ra những quái thai “tư bản đỏ”, không tài, không vốn và hầu hết không đầu! ” ( trang 92 ).

Thật vậy, người ta cứ cố duy trì cho được cái thứ mặt người “ kinh tế thị trường ”, chân tay quỷ “ định hướng xã hội chủ nghĩa ” là để tạo ra tình trạng “ đất đai là của “ trời ơi ”, “của chùa” ”.. Có thế người ta mới có thể biến hóa để những thứ đó: “giờ đây nằm gọn trong tay kẻ có chức, có quyền ” !.

Cho nên ngày nay “ ở Việt Nam không có cá nhân ăn cắp, ăn cướp mà chỉ có ăn cắp, ăn cướp tập thể, ăn cắp ăn cướp theo băng đảng qua cách phân phối của cải chiếm được. Có tài thánh cũng chẳng truy ra nổi nguồn gốc tài sản mà bốn đời làm việc, với lương bộ trưởng, một người cũng chẳng xây nổi căn nhà đáng giá hàng nhiều ngàn lần tháng lương của anh ta! Nghĩa là có chính sách cho sự ăn cắp và ăn cướp công khai và… có tổ chức ” ( tr 389 ).

Gần kết thúc Hồi ký, Tô Hải lại hơn một lần rền rĩ: “ cuộc đời không cho phép tôi… chết sớm như các bạn Xiêm, Ích, Tước, Niệm, Hòa… mà bắt tôi phải sống, sống để trở thành một thằng hèn, hèn cho đến những ngày “ vừa viết vừa run ” tập hồi ký này. ” ( trang 440 ).

Nhưng ….

* Trước sự kiện Khổng Tử đem con gái gả cho Công Dã Tràng, “ Luận ngữ ” đã bình rằng:

Công Dã Tràng là học trò của Khổng Tử, đã từng bị ngồi tù. Khổng tử vẫn bằng lòng đem con gái mình gả cho Công Dã Tràng. Vì sao ? Theo Khổng Tử, phạm tội mà vi phạm điều nhân là kẻ vô đạo thất đức, phạm tội mà không vi phạm điều nhân là người đáng thương. Công Dã Tràng tuy có tội, nhưng không vi phạm điều nhân. Cho nên vẫn là con người có nhân, kiên trì phấn đấu sẽ đắc đạo ( về sau được tôn lên làm bậc tiên hiền ), Khổng Tử quyết gả cho Công Dã Tràng để thể hiện lòng tin của mình vào học trò.

Tô Hải dù đã tự nguyện chui vào rọ Cộng sản ( tức ngồi tù ) nhưng không vi phạm điều nhân ( chẳng những thế còn làm điều nhân thật đáng trân trọng là đã trên dưới tám mươi, lại đau yếu mà vẫn cậm cạch ngồi viết cuốn hồi ký đầy tâm huyết, rất giá trị này). Cho nên, rồi đây khi đi gặp Khổng Tử, chắc ông nhạc sỹ này sẽ được Khổng Tử gả cho con gái đẹp như “ Nụ cười sơn cước ”. ( **)

Chỉ đáng trách là có những bọn người không hề bị “ ngồi tù ” ( Hoàn toàn khác chúng tôi, họ không hề bị Mác – Lê mê hoặc, không hề tin vào chủ nghĩa cộng sản mặc dù họ đang cầm thẻ đỏ ), nhưng nhờ cả một thế hệ “ yêu nước hồn nhiên ”, “ yêu nước ngơ ngác ”, “ yêu nước dại khờ ” … đổ hết máu xương, mồ hôi nước mắt ra xây ngai vàng hôm nay cho họ được chễm chệ ngồi; để rồi, có ai đó than thân trách phận, ai đó thức tỉnh đem trải nghiệm bản thân ra khuyên nhủ họ thì liền bị họ xua sai nha lục soát, tra vấn, tống tù hay lệnh cho bọn bồi bút vô liêm sỉ trổ tài khuyển mã xuyên tạc, bôi bẩn, lăng nhục. Bất kể đấy là những người đáng bậc cha, bậc anh, bậc thầy của họ.

Gấp Hồi ký lại, tôi ngân thầm câu hát ngày xưa: “ Hỡi gió chiều có nhớ chăng ? Mãi mối tình còn vấn vương ” ( ***). Và, tôi thương, tôi yêu Tô Hải.

Hà Nội 24 tháng 8 năm 2009

Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay

Trung Văn – Từ Liêm – Hanoi

Điện thoại : 35 534 370

( * ) Cuốn “ Hồi ký của một thằng hèn ” dày 535 trang
do nhà xuất bản Tiếng Quê hương ấn hành tại Hoa Kỳ
( ** ) Tên một bài hát của nhạc sỹ Tô Hải
( *** ) Lời trong bài hát “ Nụ cười sơn cước ”

22-07-2010

`Về hai tai nạn của ngư dân miền Trung trong tuần qua.. Một câu chuyện trường kì không mới mẻ, nhưng vẫn cứ phải chỉ mặt đặt tên rằng: Tàu kia sao lại đâm tàu? Lạ lẫm với những tên hèn hạ quỳ gối trước Trung Quốc mà thôi. Uất ức không chịu được, muốn học anh Chí Phèo mà chửi: “Hắn vừa đi vừa chửi,bắt đầu hắn chửi Tàu. Ahà, Tàu là kẻ thù chung, nhưng chẳng của riêng nhà nào, ai cũng dửng dưng mặc kệ. Không ai lên tiếng, hắn chửi cả chính phủ, bọn bán nước cầu vinh, các quan ai cũng nghĩ, chắc hắn trừ mình ra. Tức mình hắn chửi cha đứa nào đẻ ra CNXH để làm anh em với kẻ thù, và cứ thế hắn chửi đến kiệt sức mà chết…”

Ông Dũng! nếu ông thật lòng vì đất nước, dân tộc, ông từ chức đi!. . Còn lâu nhé, tuy tôi có hứa này hứa nọ nhưng lời nói gió cuốn bay, chừng nào các ông chế được cái dọ ,cái lồng bắt giữ được lời nói của tôi làm tang chứng vật chứng thì tôi mới chịu, hé hé hé.

Toàn dân (Việt Nam) quyết tâm chống khai thác bô xít (ở Trung Quốc). . Anh Lái Gió có một sáng kiến độc đáo, phen này ta chỉ chống khai thác bôxit ở Trung Quốc thôi, còn ở ta thì mặc kệ vì đó là “lợi ích dân tộc” và “chủ trương lớn của đảng” ta mà lại. Mà chống không được có khi phải xúi đảng ta sang Trung Quốc bắt bọn dân Tàu phản động ấy đi, dám chống lại đảng ta à? Nếu trên đường đi xứ, có gặp quan Tàu thì rạp người mà lạy, và bẩm: “Ấy con đâu dám thế, con sang hỏi thăm tình hình sức khoẻ của đám dân ấy thôi, chứ sao dám đụng đến cái lông sợi tóc?”

Phát biểu tát vào mặt Quốc hội hay những âm mưu đen tối sau sân khấu hậu trường ?. . Ấy, sao các anh nói hồ đồ làm vậy? Nói thế hoá ra Quốc Hội ta và chính phủ ta là kẻ thù của nhau à? Nói thế là chia rẽ Quốc Hội và Chính Phủ, nho nhỏ cái mồm thôi kẻo nhân dân lại phát hiện ra các “thế lực thù địch” đang chơi trò “diễn biến hoà bình”. Quốc hội là đại biểu của nhân dân, hẳn không phải là thế lực thù địch, không lẽ lại là chính phủ mà đứng đầu là tể tướng?

21-07-2010

Bút chiến giữa bác Kami và cao tướng Hưởng. Ông Hưởng bị đâm cho tơi bời khói lửa, không còn mảnh giáp che thân. “Đúng là đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Bấm vào đây
Cụ Tô khuấy đảo giang hồ nét, một cụ Tô can trường, đáng kính đáng yêu chứ không như mấy lão Tô Hô như Rứa. Kí số 6 của cụ xoa đầu mấy nhóc.

Indonesia: 10 năm từ chế độ độc tài đến Dân chủ. Còn Việt Nam ta cần đếch gì dân chủ. Cứ đủ cơm ăn áo mặc, có tivi xem như lời cao tướng Hưởng nói là ok rồi. Dân chủ phương Tây nó khác ta, nó là dân chủ không tập trung và độc tài như ta, à quên, Indonesia chúng nó là Tàu hay Tây ấy nhỉ?

GS. NGUYỄN ĐĂNG HƯNG NÓI VỀ HỌA BÀNH TRƯỚNG. Đúng là các cụ lo co đầu gối, Tàu nó cho đầu các quan chính trị và chính phủ ta vào thòng lọng hết còn đâu, nó cứ nghiễm nhiên đưa người sang ta ở vùng núi lập ấp, vùng rừng lập bản, chung sống “hữu nghị” với ta chứ bành trướng đâu mà các cụ cứ nói xấu ảnh hưởng tình hữu nghị Tàu – Việt.

Nguyễn Bá Thanh muốn “đẩy nhanh tiến độ” – Nhà máy 10 tỷ đổ sập sau 2 ngày vận hành.. Àhá, theo chân anh Ba Dũng, em muốn làm anh tư Thanh, phỏng có được không anh? Ba Dũng nói: Chú ấy à,mùa quýt chú mới theo được anh. Chú cứ làm được vụ nào bằng nửa gái Vinashin thì anh cho chú lên level. Chú xem anh và bộ sậu biễu diễn đây.

Lương tâm không bằng lương tháng.. Có thật vậy không ta? Lương tháng có bằng lương “lậu” không? Hẳn các quan chức có trong túi câu trả lời đúng.

19-07-2010

Kính mời quý khách món đặc sản dân tộc: món Nhân quyền kiểu Việt Nam.

Và đây nữa, món tẩm độc của các “thế lực thù địch”, xin gửi các dân chi phụ mẫu.
Những câu hỏi gửi tới ông Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. .

đây nữa…

Rồi sau đó mời quý khách tráng miệng bằng món đặc sản thế giới: Món DÂN CHỦ..

Gặp nhau cuối tuần, những điều còn phải nói nhiều: Xã hội trong cơn “liệt khùng nhân cách” và đạo đức, những thói dối trá dị hợm, bịp bợm lừa phỉnh…đang lên ngôi. Còn những người tử tế như Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Minh Chính, blogger Láigió, Điếu Cày, Osin…vv.thì bị vùi dập đến nơi đến chốn. .

Trao đổi của giới trí thức xung quanh tình hình Thái Lan. Nhiều góc cạnh ra phết. .

“Nếu tao là nhà nước…”. . Thế thì nếu luôn một thể, nếu tao có phép thần thông như Tôn Ngộ Không thì tao đập chết hết bọn tham quan và bọn chính phủ.